Để người tiêu dùng tin vào rau an toàn

09:25, 01/04/2014

Cầm bó rau cải mua ở Cửa hàng kinh doanh rau an toàn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (đường Quyết Tiến, T.P Thái Nguyên) trên tay, tôi thấy lá rau không được non mỡn, bóng mượt như những bó rau cải ngoài chợ. Tuy nhiên, với những người nội chợ thông thái thì rau an toàn đang là sự lựa chọn số một cho bữa ăn hàng ngày.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp, hiện nay, những diện tích rau xanh đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh do đơn vị cấp đều đã hết hiệu lực.

 

Chị Hà Thị Hồng, ở tổ 14, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Nửa năm nay, tôi chỉ sử dụng rau của các cửa hàng kinh doanh rau an toàn trên địa bàn. Tuy giá bán có cao hơn ngoài chợ từ 10 đến 20% nhưng tôi thấy yên tâm hơn vì không lo bị ngộ độc thực phẩm, sức khỏe của các thành viên trong gia đình được bảo đảm.

 

Khoảng nửa năm trở lại đây, không phải riêng chị Hồng mà rất nhiều người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có ý thức lựa chọn rau an toàn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Đây là lý do khiến lượng rau xanh tại 3 điểm kinh doanh rau an toàn (đã hoạt động được gần 2 năm nay) trên địa bàn thành phố như số 3, đường Chu Văn An; cổng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; đường Quyết Tiến cung cấp cho thị trường ngày một tăng lên.

 

Trước đây, trung bình mỗi điểm chỉ bán được khoảng 1 tạ rau/ngày thì nay đã tăng lên 1,5 đến 2 tạ rau/ngày. Đặc biệt, khoảng 3, 4 tháng nay, thêm 2 cửa hàng kinh doanh rau an toàn đã xuất hiện trong thành phố gồm cửa hàng kinh doanh rau an toàn ở số nhà 1, tổ 27 và số nhà 19, ngõ 678, tổ 17, phường Hoàng Văn Thụ. Chị Hiệp, chủ cửa hàng kinh doanh rau an toàn ở số nhà 1, tổ 27, phường Hoàng Văn Thụ cho hay: Lúc mới bán rau an toàn, nhiều người dân chưa quen mua vì thấy giá bán đắt hơn các loại rau ngoài chợ. Nhưng nay, các hộ dân ở quanh khu vực này đều mua rau của cửa hàng. Chỉ khi cửa hàng của tôi không còn, mọi người mới mua rau ở chợ.

 

Không chỉ tìm mua rau ở các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, nhiều hộ dân ở T.P Thái Nguyên còn chủ động liên hệ với các hộ sản xuất rau an toàn ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) để được cung cấp sản phẩm đến tận nhà. Chị Trần Thanh Hương, một người dân sản xuất rau an toàn ở xóm Cậy cho biết: Hiện nay, có trên 50 hộ dân ở T.P Thái Nguyên đã ký hợp đồng với một số hộ trồng rau ở đây để được sử dụng rau an toàn hằng ngày.

 

Nhằm tạo niềm tin cho người mua, kèm theo mỗi gói rau, các chủ cửa hàng, hộ sản xuất rau an toàn còn in nhãn, mác, trong đó có ghi chi tiết địa chỉ, số điện thoại của người kinh doanh, sản xuất sản phẩm…

 

Như vậy, kể từ năm 2011, khi mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đầu tiên của tỉnh thực hiện ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn này đến nay, cụm từ “rau an toàn” đã được nhiều người biết đến và số người sử dụng sản phẩm rau an toàn trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày một tăng lên.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau gần 3 năm mà địa chỉ cung cấp rau an toàn cho các cửa hàng kinh doanh vẫn là xóm Cậy và khoa Nông học Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chứ chưa phát triển được ra các vùng lân cận hoặc các điểm trồng rau xanh chuyên canh như Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), Linh Sơn (Đồng Hỷ)… Do đó, các loại rau an toàn cung cấp trên thị trường chưa được phong phú, chủ yếu vẫn tập trung vào một số loại rau thông thường như rau muống, cải, bí… chứ chưa có các loại rau cao cấp. Hơn nữa, các hộ sản xuất rau an toàn vẫn chưa thật sự liên kết chặt chẽ với nhau trong cung cấp sản phẩm, hầu như vẫn thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên hiệu quả kinh tế đạt chưa được như mong muốn…

 

Một điều khiến chúng tôi rất băn khoăn nữa là thời gian qua, dù các hộ tham gia Tổ hợp rau an toàn xóm Cậy vẫn duy trì sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP nhưng trên thực tế, giấy chứng nhận các sản phẩm rau xanh ở đây (gồm 10 loại, diện tích 2,5ha) đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp cấp đã hết hiệu lực từ ngày 14-12-2013. Ông Hà Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nói: Khi cung cấp rau ra thị trường, người sản xuất thường sử dụng cụm từ “rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP” chứ không dùng cụm từ “rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” in trên bao bì để “lách luật”. Nếu tiếp tục làm ăn theo hình thức này thì dù tránh được việc bị các ngành chức năng xử phạt, người sản xuất, kinh doanh vẫn dần bị mất đi niềm tin của người tiêu dùng.

 

Sau nhiều khó khăn, sản phẩm rau an toàn đã bắt đầu đến được với người tiêu dùng trong tỉnh. Để sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, điều quan trọng nhất là người sản xuất phải tôn trọng người tiêu dùng thông qua việc nghiêm túc áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất rau cũng như quan tâm tới việc huy động kinh phí để đề nghị ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đúng kỳ hạn, tránh tình trạng giấy chứng nhận hết hiệu lực hơn 3 tháng mà vẫn chưa có giấy chứng nhận mới như ở xóm Cậy... Trên thực tế, nếu người dân sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình VietGAP mà không được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn thì cũng khó lấy được niềm tin của người tiêu dùng.