Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

08:42, 08/04/2014

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh ta có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, thì chăn nuôi cũng đang nảy sinh rất nhiều vấn đề về chất lượng môi trường, đe dọa sức khỏe của cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 674 trang trại, gia trại, trong đó có 274 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; 353 trang trại, gia trại chăn nuôi gà; 47 trang trại, gia trại còn lại chăn nuôi trâu, ngựa, dê, nhím, chồn, rắn…

 

Việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi lại chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn trang trại, gia trại nằm xem kẽ trong khu dân cư; có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép; không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước và môi trường không khí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Điển hình như trang trại chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Mai, ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Tân Cương và bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) hàm lượng các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép tới hàng chục lần; các trang trại khác như trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi Thắng Lợi (T.X Sông Công); Trại giống lợn Tân Thái (Đồng Hỷ) và nhiều trang trại khác cũng đã làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dân.

 

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ trang trại, gia trại chưa cao. Hầu hết người chăn nuôi chưa có biện pháp xử lý chất thải lỏng; vứt xác gia cầm, gia súc bừa bãi và hệ thống thoát nước đơn giản làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa được khắc phục triệt để và có chiều hướng gia tăng. Nhiều năm qua, chất thải trong chăn nuôi chủ yếu được xử lý bằng hệ thống biogas. Song, biện pháp này chỉ giải quyết được vấn đề thu hồi khí sinh học để tận thu làm nhiên liệu, còn mức độ giảm thiểu ô nhiễm không đáng kể, do vậy, không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước và mùi hôi thối. Bên cạnh đó, hầu hết các hệ thống biogas hiện nay đều được các trang trại xây dựng nhỏ hơn mức độ cần thiết, nên hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm lại càng hạn chế, nhiều khi không có tác dụng.

 

Mặt khác, quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi cũng chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức ở tất cả các cấp, các ngành của tỉnh. Trong các quy hoạch phát triển chăn nuôi hầu như chỉ quan tâm, chú trọng đến các chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, chưa có các quy định, giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể, chưa có quy hoạch và tiêu chí quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lực lượng cán bộ chuyên quản lý về môi trường còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý.

 

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Thái Nguyên cần khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loại chăn nuôi. Từng bước hạn chế, tiến tới không cho phép chăn nuôi gia trại, chăn nuôi quy mô nhỏ trong các khu dân cư. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân. Xây dựng và ban hành quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo các trang trại đều phải có đầy đủ công trình biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm, được xác nhận hoàn thành trước khi đưa vào hoạt động. Triển khai ứng dụng mô hình xử lý nước thải sau hệ thống biogas để làm cơ sở hướng dẫn, nhân rộng áp dụng cho các trang trại. Các cấp lãnh đạo cũng nên có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi.

 

Thách thức về môi trường đối với sự phát triển chăn nuôi cũng là thách thức chung của các cấp, các ngành. Do vậy, giải bài toán ô nhiễm môi trường cho hoạt động chăn nuôi là con đường hướng tới ngành chăn nuôi “xanh”, phát triển bền vững trong cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng...