Nông sản Việt tìm cơ hội trong thách thức

09:07, 05/04/2014

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ "cán đích" trong năm 2014 với khả năng thiết lập khu vực mậu dịch tự do rộng lớn. Đây được coi như một cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Xét riêng đối với ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam thì TPP đang đặt ra nhiều khó khăn tiềm ẩn bên cạnh những thuận lợi dễ nhận thấy.

Lợi thế hay thách thức ?

 

TPP là hiệp định đa phương giữa 12 nước gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản. Đến nay, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư và các vấn đề về môi trường, lao động ... Mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP của Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước thành viên TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam.

 

TPP cũng đặt ra yêu cầu cao là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình ba đến năm năm hoặc 10 năm. Đối với nền nông nghiệp trong nước, tác động lớn nhất của TPP chính là việc mở cửa thị trường. Theo đó về nguyên tắc, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam có thể hưởng thuế suất 0% nếu xuất khẩu vào các thị trường mở của TPP. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường, áp dụng thuế suất bằng 0% cho nông sản các nước thành viên TPP. Câu hỏi đặt ra: Đây sẽ là lợi thế hay thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam?

 

Trước hết, về mặt lợi thế, không thể phủ nhận nếu được hưởng mức thuế suất 0%, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ có thể tăng mức lợi nhuận, từ đó tăng khả năng đầu tư trở lại đối với nền nông nghiệp. Ngoài ra, khả năng tăng giá thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân cũng trở nên khá rõ rệt.

 

Theo Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng, việc tham gia vào TPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho các ngành hàng xuất khẩu thủy sản. Đơn cử như hiện nay, mức thuế suất đối với cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản khoảng từ 6,4 đến 7,2%, trong khi đó, Thái-lan và Phi-li-pin xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Nhật Bản có mức thuế 0%.

 

Đây là một khó khăn đối với các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam. Nhưng nếu tham gia TPP, với mức thuế suất 0% sẽ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật.

 

Từ đó tác động tích cực đến thu nhập của ngư dân khai thác cá. Mặt khác, theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, TPP còn tháo gỡ một nút thắt khác, đó là thuế suất nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Theo ước tính, mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 10 nghìn tấn cá ngừ đại dương. Khi mức thuế nhập khẩu giảm bằng 0% thì sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp chế biến rất nhiều.

 

Không chỉ đối với ngành thủy sản, TPP cũng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành chăn nuôi -ngành hàng mà hằng năm phải nhập một lượng thức ăn chăn nuôi tương đối lớn. Khi giá nguyên liệu nhập khẩu giảm, thì đương nhiên giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm tương ứng, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 

Thách thức tiềm ẩn

 

Một chuyên gia kinh tế đã so sánh một cách hình ảnh, rằng: Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, TPP như một "bông hồng có gai". Nó đưa đến cho lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta nhiều thuận lợi và cơ hội giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh nhưng đồng thời cũng hàm chứa quá nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nước tham gia TPP, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển cho nên sẽ không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, cùng với lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản nhờ thuế suất 0% thì Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường áp dụng thuế suất 0% cho các nước thành viên TPP. Khi đó, hàng nông sản các nước sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả chất lượng và giá thành, các sản phẩm của nước ta sẽ không cạnh tranh nổi với các nhãn hàng ngoại nhập, viễn cảnh thua trên sân nhà rất dễ xảy ra.

 

Khó khăn tiếp theo là bằng cách nào để hàng nông sản Việt Nam vượt qua được các tiêu chuẩn ngặt nghèo của các nước nhập khẩu để có thể hưởng mức thuế suất 0%. Cụ thể là đáp ứng đầy đủ các quy định về môi trường, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống lao động trẻ em, chống trợ cấp và rất nhiều rào cản khác, mà có thể khi tham gia vào TPP mới phát sinh.

 

Cuộc chơi nào cũng có luật lệ, việc thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng thích ứng với các luật lệ đó. TPP đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những thách thức hiện hữu và cả những gian nan khó lường. Bởi, nền nông nghiệp nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là những hạn chế về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mà thực tế thị trường đã chứng minh, hạn chế này thường là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước.

 

Nhưng nói như Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn thì "Muốn thoát khỏi nền nông nghiệp giá rẻ, chỉ có một cách là tham gia sân chơi lớn, tập trung nhiều nước đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản...". Vì vậy, nên coi TPP là một trong những động lực lớn để tái cơ cấu nền nông nghiệp trong nước theo hướng tập trung vào các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đem về kim ngạch xuất khẩu lớn hơn. Từ đó, tăng giá trị đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế nước nhà, đồng thời cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.