Phát triển làng nghề: Chú trọng chất lượng hoạt động

08:18, 04/04/2014

Nhìn vào bảng so sánh quá trình phát triển làng nghề của tỉnh từ năm 2010 đến nay, chúng ta sẽ dễ dành nhận thấy tốc độ gia tăng các làng nghề là rất lớn. Từ chỗ chỉ có 12 làng nghề được công nhận, đến nay toàn tỉnh đã phát triển tới con số 105 làng nghề. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động làng nghề là rất đáng kể.

Thác Dài là một trong hai làng nghề điểm, được công nhận sớm nhất tỉnh. Nằm cách trung tâm xã Tức Tranh (Phú Lương) 2km về phía Đông, làng nghề Thác Dài chuyên sản xuất chè đặc sản. Đường vào Thác Dài được thảm bê tông sạch sẽ, cổng làng xây khang trang. Hai bên đường là những dãy đồi hình bát úp san sát với những nương chè xanh mướt. Cả xóm Thác Dài có trên 60 hộ dân thì gần như 100% đều trồng chè và sống bằng nghề làm chè. Do có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp, cộng với áp dụng kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây chè ở đây phát triển nhanh, đều, búp chè to, mập, vị ngọt mát khác thường mà nhiều vùng chè khác không có.

 

Anh Nguyễn Văn Hà, người làm chè có uy tín của làng tâm sự: Từ khi được công nhận làng nghề năm 2008 đến nay, chúng tôi luôn ý thức được rằng mình phải có trách nhiệm xây dựng và đưa thương hiệu chè Thác Dài bay xa hơn. Bởi vậy, người làm chè trong làng luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm bón, thu hái và sao sấy để tạo ra những sản phẩm chè hảo hạng. Các nghệ nhân trong làng không bao giờ dễ dãi, chạy theo thị trường, tự đánh mất uy tín những sản phẩm làm ra.

 

Từ ngày được công nhận làng nghề đến nay, uy tín cũng như tiếng vang của thương hiệu chè Thác Dài đã lan tỏa rộng rãi và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sau khi xây dựng và công nhận Thác Dài là làng nghề điểm, nhận thấy những tác động tích cực từ hoạt động làng nghề, tỉnh ta đã quyết định xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề giai đoạn 2011-2015, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển được 100 làng nghề. 

 

Trên cơ sở các làng đã có nghề, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ thẩm định, trình tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, với sự quan tâm, sát sao của ngành Công Thương, toàn tỉnh đã có 105 làng nghề được công nhận, vượt 5% mục tiêu đề ra của Chương trình. Do đặc thù là một tỉnh phát triển mạnh về cây chè với thương hiệu chè Thái nổi tiếng nên tỷ lệ làng nghề trồng, chế biến chè chiếm phần lớn với 85 làng, còn lại là các làng nghề khác như: Làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, lâm sản đồ gỗ, sản xuất mây tre đan, mành cọ, trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa, sinh vật cảnh. Các làng nghề của tỉnh tập trung chủ yếu tại huyện Phổ Yên (26 làng nghề), Phú Lương (23 làng nghề), T.P Thái Nguyên (18 làng nghề), Đồng Hỷ (11 làng nghề), số làng nghề còn lại tập trung tại các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai và Phú Bình. Nhiều làng nghề sau khi được công nhận đã phát triển rất tốt, tạo dựng được thương hiệu mạnh như: Làng nghề miến Việt Cường, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, làng nghề chè Phú Nam, làng nghề thủ công mỹ nghệ Xuân Phương...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Giang Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, người được Sở Công Thương giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc về công tác phát triển làng nghề, cho biết: Để tạo điều kiện ban đầu cho các làng nghề, 3 năm qua tỉnh đã trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ các làng nghề mới được công nhận với tổng số tiền là 2,8 tỷ đồng. Mặc dù nguồn hỗ trợ không nhiều, nhưng đã góp phần giúp các làng nghề xây dựng cổng làng, tổ chức lễ đón nhận, tạo khí thế động viên, khích lệ người lao động trong các làng nghề thêm động lực xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài hỗ trợ kinh phí, tỉnh còn quan tâm, động viên khích lệ các làng nghề thông qua việc khen thưởng, biểu dương những làng nghề tiêu biểu tại các cuộc liên hoan trà. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương công nhận các sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực của các làng nghề. Cùng với đó là các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các làng nghề...

 

Ngoài ra, để tăng cường sự liên kết trong hoạt động của các làng nghề, năm 2010, tỉnh đã chính thức thành lập Hiệp hội làng nghề. Trong 3 năm qua, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Công Thương xem xét trình tỉnh công nhận 44 làng nghề, làng nghề truyền thống; vận động và lựa chọn sản phẩm của các làng nghề để tham gia gian hàng trưng bày tại những dịp tỉnh tổ chức hội chợ hay các cuộc liên hoan trà. Điều đáng nói, Hiệp hội đã tham gia thực hiện 7 đề án khuyến công liên quan đến phát triển làng nghề với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có 2 đề án về hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc chế biến nông sản, 1 đề án đào tạo nghề lao động nông thôn với 5 lớp về chế biến, bảo quản sản phẩm chè.

 

Theo ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh thì Hiệp hội còn phối hợp với 2 doanh nghiệp tổ chức giới thiệu các thiết bị bảo quản, chế biến chè tại một số làng nghề chè trong tỉnh; tổ chức tư vấn các thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cho các cơ sở trong làng nghề có nhu cầu; tư vấn lập dự án đầu tư, giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất và vay vốn ngân hàng cho các hội viên trong Hiệp hội. Cùng với đó, Hiệp hội còn tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tham gia sinh hoạt nhằm tăng cường sức mạnh trong hoạt động của các làng nghề. Đến nay, Hiệp hội đã có 238 hội viên, trong đó có 106 hội viên là tổ chức và 132 hội viên cá nhân.

 

Có thể thấy những năm qua, Thái Nguyên đã dành sự quan tâm nhất định đối với hoạt động phát triển làng nghề trên địa bàn. Được biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó ngoài tăng về số lượng còn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các làng nghề, góp phần phát triển thương hiệu hàng hóa địa phương, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.