Sau những ngày mưa, nồm ẩm thấp, thời tiết tạnh ráo, khô thoáng là thời điểm thích hợp để những người làm miến ở xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba (Đại Từ) vào vụ sản xuất mới. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Đình Ti - một trong những hộ sản xuất miến dong đầu tiên ở xóm để tìm hiểu về nghề này.
Trong ngôi nhà khang trang với khá đầy đủ tiện nghi hiện đại, ông Ti phấn khởi cho biết: Cũng nhờ có nghề làm miến gia truyền mà tôi mới gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay. Tôi làm miến dong được hơn 30 năm nay, miến của gia đình sản xuất ra không đủ bán nhưng tôi không muốn chỉ làm giàu cho riêng mình mà mong ước nghề được phát triển rộng trong xã, sản phẩm miến sẽ đến với người tiêu dùng ở nhiều vùng miền trong và ngoài tỉnh, để có thêm nhiều gia đình có thể thoát nghèo, làm giàu được từ nghề này, muốn vậy chúng tôi phải xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, con đường xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, đòi hỏi những người làm miến phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm.
Xuất phát từ mong muốn như vậy, ông Ti đã đứng ra vận động các hộ làm miến trong xóm thành lập Tổ sản xuất miến dong, do ông làm Tổ trưởng, bước đầu thu hút được 15 thành viên tham gia. Khi tham gia Tổ, các thành viên sẽ có điều kiện liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường... Hộ làm ít cũng đạt 50kg miến/ngày. Còn như gia đình ông Ti, trung bình mỗi ngày sản xuất hơn 1 tạ miến. Để đảm bảo cung ứng hàng kịp thời cho khách, ông Ti phải thuê thêm 2 - 3 lao động thời vụ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan nơi sản xuất miến của gia đình, ông Ti kể: Tôi biết làm nghề này là do cha mẹ truyền lại. Lúc đầu, gia đình tự trồng cây dong để làm miến, sau đó, ngày càng có thêm nhiều khách hàng ưa chuộng miến của gia đình nên dong trồng ra không đủ sản xuất, gia đình tôi phải nhập dong ở thị trường Bắc Kạn, trung bình một năm nhập khoảng 10 tấn bột dong. Để có miến ngon, phải đảm bảo các yếu tố: sơi miến trong, dai, dẻo, mềm, nấu xong để nguội sợi miến vẫn không bị cứng. Theo tôi, một trong những khâu quan trọng nhất là phải có bột sạch, không được sơ chế, tẩy trắng. Sau đó, khâu ngâm bột cũng rất quan trọng, khâu này đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, bột ngâm chưa tới sẽ không đạt yêu cầu mà ngâm kỹ quá sẽ bị chua… Chỉ có bằng kinh nghiệm lâu năm thì mình sẽ tự lượng được thời gian ngâm bột thích hợp để chuyển sang kéo sợi.
Khu nhà xưởng sản xuất miến đơn giản hơn tôi tưởng tượng, gồm có một máy kéo sợi, bể ngâm bột và khoảng hơn 300 phên nứa dùng để phơi miến. Vốn đầu tư không lớn nhưng hiệu quả đem lại cho người sản xuất không phải là nhỏ. Theo cách tính của ông Ti, mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong mà nhiều khách hàng không chỉ trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh cũng tìm đến xóm Bẫu Châu để mua miến của gia đình ông Ti và các thành viên trong Tổ sản xuất miến dong. Ông Ti cho biết: Sản phẩm miến của gia đình ông đã vào tới tận thị trường Đồng Nai, có thời điểm xuất bán trên 3 tấn miến/năm. Song, thành quả bước đầu vẫn chưa khiến ông Ti và các thành viên trong Tổ sản xuất miến dong Bẫu Châu hài lòng, họ mong muốn mở rộng thị trường hơn nữa, miến dong Bẫu Châu không chỉ được bày bán ở các chợ lớn, nhỏ mà cả trong các siêu thị… Muốn vậy, sản phẩm miến dong ở Bẫu Châu phải xây dựng được thương hiệu. Và con đường ngắn nhất để đi đến thành công là phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và không ngừng khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm.