Tân Thịnh - hướng thoát nghèo đã mở

18:27, 30/05/2014

Với lợi thế có diện tích đất rừng lớn, nguồn lao động dồi dào, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Thịnh (Định Hóa) đã vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống và nâng cao thu nhập cho kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên...

Từ UBND xã, chúng tôi đã vượt trên 5km đường đất gồ ghề để đến Làng Quàn - một trong những xóm có diện tích rừng lớn ở Tân Thịnh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến nơi này là sự bình yên với những người dân rất mực mến khách. Niềm tin về một cuộc sống no ấm, đủ đầy luôn hiện trên khuôn mặt những người chúng tôi được tiếp xúc, chuyện trò. Anh Ma Đình Tuyền, một hộ dân trong xóm cho biết: Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, những năm qua, gia đình tôi đã trồng được trên 10ha keo. Cuối năm ngoái, gia đình đã bán 2ha rừng keo được trên 100 triệu đồng. Khoảng 2 năm nữa, chúng tôi sẽ có thêm 3ha keo đến tuổi khai thác.

 

Gia đình anh Tuyền chỉ là một trong số hàng chục hộ dân ở Tân Thịnh đã và đang có nguồn thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng rừng. Có thể nói, những năm trở lại đây, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đồi rừng có sự thay đổi rõ nét. Điều đó được thể hiện trước hết qua việc đăng ký trồng rừng theo các dự án hằng năm. Cụ thể, khi có chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng của năm mới, các hộ dân đã đăng ký tham gia trồng rừng rất đông, hầu hết đều vượt chỉ tiêu được giao. Đồng chí Hứa Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Hiện, diện tích rừng sản xuất của xã đã lên tới trên 3.600ha. Bước đầu, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là động lực quan trọng để người dân yên tâm đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng...

 

Để phát huy những thế mạnh kinh tế đồi rừng, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Thịnh đã thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về giao đất, giao rừng đến tận hộ dân chăm sóc, quản lý và bảo vệ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con; định hướng, vận động người dân trồng xen canh sắn cao sản ở những diện tích đất mới trồng cây; trồng ngô, trồng chè ở những chân đồi thấp để tăng thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình... Nhờ vậy, mỗi năm, người dân trong xã đã trồng được từ 80 đến 100ha rừng theo các chương trình, dự án như: 661, 147; tự bỏ vốn mua giống, phân bón trồng được khoảng 20ha/năm.

 

Cùng với đó, mỗi năm, người dân còn trồng được khoảng 80 đến 100ha sắn, cho sản lượng khoảng trên dưới 1.000 tấn sắn tươi, khoảng 80ha ngô, trồng mới khoảng 3-4 ha chè. Đến nay, tổng diện tích chè trên địa bàn xã là 50ha, sản lượng đạt 700 tấn chè búp tươi/năm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Không chỉ có vậy, nhiều hộ dân trong xã còn kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi gia súc cho thu nhập khá. Anh Lèng Văn Hào, Trưởng xóm Làng Quàn cho biết: Hiện xóm có 250ha rừng, 0,7ha chè. Ngoài việc trồng rừng, nhiều hộ dân trong xóm còn kết hợp chăn nuôi trâu sinh sản và dê. Hiện cả xóm có 8 hộ nuôi trâu sinh sản với tổng số trên 50 con trâu, trong đó có những hộ đã nuôi hàng chục con trâu ông Hoàng Đình Liên, Nịnh Văn Ninh và 12 hộ chăn nuôi dê với số lượng 20-30 con/lứa.

 

Tích cực trồng rừng đã góp phần nâng độ che phủ của rừng ở Tân Thịnh lên trên 70%, trữ lượng gỗ được khai thác hằng năm đạt trên 370m3 gỗ. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hằng trăm lao động địa phương mỗi năm với mức thu nhập từ 180 đến 200 nghìn đồng/ngày. Đặc biệt, ở đâu có rừng thì ở đó giao thông được mở rộng để thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển gỗ. Có xóm, bà con đã mạnh dạn đầu tư mở hàng chục km đường để cho việc vận chuyển gỗ được thuận lợi như: Thịnh Mỹ 1, Thịnh Mỹ 2, Làng Quàn, Làng Đúc...

 

Thu nhập từ rừng đã giúp cho nhiều hộ dân trong xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm được các tiện nghi giá trị phục vụ sinh hoạt, sản xuất, có nhiều điều kiện chăm lo cho con cái được học hành. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 33,46% (năm 2011) xuống còn 24,62% (năm 2014). Phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang đang trở thành một hướng đi tích cực trong xóa đói, nghèo cho người dân xã Tân Thịnh.

 

Đồng chí Hứa Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ để rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho người dân...