Chuỗi giá trị - Điều kiện cần trong phát triển chăn nuôi

17:23, 26/06/2014

Với số lượng trang trại khá lớn (trên 600 trang trại, trong đó có hơn 270 trang trại chăn nuôi lợn và xấp xỉ 330 trang trại chăn nuôi gia cầm), sản phẩm chăn nuôi của tỉnh ta sản xuất ra khá phong phú, đa dạng nhưng lại luôn phải đối mặt với khó khăn về dịch bệnh; đầu ra cho sản phẩm bấp bênh…

Chuỗi giá trị là một khái niệm từ quản lý kinh doanh, đã được Micheal Porter, Giáo sư của Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ mô tả và phổ cập lần đầu tiên vào năm 1985 trong một cuốn sách về phân tích lợi thế cạnh tranh của ông: “Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt đông của một công ty hoạt động trong một ngành cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của một công ty hoạt động một ngành nghề cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tụ và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động mang lại sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động cộng lại.

 

Năm 2012, lợn thịt, lợn giống trên địa bàn tỉnh mất giá thảm hại. Cao điểm nhất là vào thời điểm giữa năm, giá lợn giống giảm tới 30%; giá thịt lợn hơi ở mức 39 đến 40 nghìn đồng/kg, giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như trang trại chăn nuôi 400-500 con lợn thương phẩm và 30 con lợn nái/năm của chị Nguyễn Thị Vân ở xóm Trạng Đài, xã Tân Kim (Phú Bình), thời điểm giữa năm 2012, gia đình chị đã phải chịu lỗ từ 500 đến 700 nghìn đồng/con. Chị Vân cho hay: Giá lợn bán ra thấp trong khi giá cám lại liên tục tăng (thời điểm giữa năm 2012, mỗi bao cám tăng 5 đến 10 nghìn đồng), khiến cho chúng tôi lao đao.

 

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đình Luyến, ở tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (T.X Sông Công) cũng gặp phải không ít khó khăn khi giá sản phẩm vật nuôi liên tục mất giá. Như thời đầu năm 2012, giá gà có lúc chỉ còn 14-18 nghìn đồng/kg. Cuối năm 2012, giá gà có tăng lên 20 nghìn đồng/kg nhưng giá thành chăn nuôi đã lên 30 nghìn đồng/kg nên không chỉ riêng anh mà nhiều hộ chăn nuôi vẫn bị lỗ gần 10 nghìn đồng/kg.

 

Gia đình chị Vân, anh Luyến chỉ là hai trong hàng trăm trang trại chăn nuôi trong tỉnh bị thua lỗ do sản phẩm bị mất giá. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này là do hình thức chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Đặc biệt là thiếu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đầu vào của sản phẩm chăn nuôi phải qua nhiều khâu trung gian dẫn tới giá cả đầu vào cao, trong khi đầu ra sản phẩm thường xuyên bị tư thương ép giá khiến cho hiệu quả sản xuất chăn nuôi thấp. Mặc dù Thái Nguyên đã có một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương… Bởi vậy, để giải quyết tình trạng này, ngành Nông nghiệp đang xây dựng Dự án phát triển chuỗi giá trị…

 

Mục tiêu của Dự án là xây dựng và phát triển chuỗi giá trị lợn, gia cầm nhằm tạo được hướng chuyển biến tích cực trong định hướng chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao, tăng thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Đặc biệt là tạo được mô hình để nhân rộng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho người chăn nuôi; hình thành thương hiệu ngành, hàng và liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ khép kín qua các công đoạn từ con giống đến sản phẩm thương phẩm, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ; phát triển chợ đầu mối buôn bán vật nuôi, tạo điều kiện lưu thông tốt các sản phẩm của ngành Chăn nuôi, ổn định nguồn nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ tập trung; tạo ra sản phẩm chăn nuôi có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, nghiên cứu, khảo sát thị trường quảng bá sản phẩm chăn nuôi của tỉnh…

 

Ngành Nông nghiệp cũng cụ thể hóa mục tiêu này thông qua kế hoạch: Sẽ xây dựng 2 HTX chăn nuôi lợn, 2 HTX chăn nuôi gia cầm ở huyện Phổ Yên và Phú Bình; xây dựng từ 3-4 lò giết mổ lợn, gà tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, với công suất giết mổ từ 200-300 con lợn trở lên/ngày và từ 1.000 đến 2.000 con gia cầm trở lên/ngày; xây dựng được mối liên kết giữa các HTX chăn nuôi, dịch vụ với ít nhất 4 công ty cung ứng dịch vụ đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, con giống; tạo mối liên kết giữa chủ thu gom với các cơ sở giết mổ để tạo nên các kênh tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bền vững cho người chăn nuôi.

 

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, ngoài số tiền trên 1,3 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ, người dân khi tham gia các HTX chăn nuôi cũng cần có ý thức đóng góp toàn bộ con giống, đầu tư xây dựng trang trại, mua thức ăn chăn nuôi, công lao động… Đặc biệt, người chăn nuôi cần mua con giống ở các cơ sở sản xuất giống có chất lượng tốt trong nước; sử dụng thức ăn công nghiệp của các cơ sở sản xuất uy tín; xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật; chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; mạnh dạn ký kết hợp đồng thương mại với các chủ cơ sở giết mổ, chủ nhà hàng, siêu thị…