Phúc Chu được đánh giá là một trong những xã của huyện Định Hóa có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 40,5% thì đến nay con số đó chỉ còn 22,2%. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã và sự nỗ lực phấn đấu tự vươn lên của các hộ nghèo...
Trong một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đến Nà De - xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã (16%), điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cuộc sống của bà con nơi đây đang ngày càng trở nên sung túc: đường giao thông liên xóm đã được mở rộng và đổ bê tông. Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang mọc lên san sát. Và đặc biệt, hầu hết các hộ dân đều đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây, anh Nguyễn Văn Kiệm, một hộ dân vừa mới thoát nghèo phấn khởi cho biết: Khoảng 5 năm trở về trước, cuộc sống của gia đình chúng tôi hết sức khó khăn. Năm 2011, hai vợ chồng đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư chăn nuôi lợn thịt, trồng mới khoảng 1.500m2 chè cành và chăm sóc, cải tạo hơn 1 sào chè trung du và 4ha rừng keo mới trồng. Từ số vốn vay được của Ngân hàng và anh em họ hàng, gia đình chúng tôi đã dần mở rộng quy mô chăn nuôi từ 5-6 con/lứa (2011) lên 15 con/lứa (năm 2013). Hiện, diện tích chè cành của gia đình đã cho thu hoạch được 3 tạ chè búp khô/lứa. Ngoài việc được vay vốn Ngân hàng với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi và 4 hộ dân khác còn được hỗ trợ tiền để mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi cày, bừa xong ruộng của mình, chúng tôi còn tranh thủ đưa máy đi cày thuê, kiếm thêm được khoảng 5 triệu đồng/vụ. Đời sống kinh tế của vợ chồng tôi ngày càng khấm khá. Năm 2013, từ số tiền tích góp và vay mượn thêm của anh em, bạn bè, vợ chồng tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố. Năm nay, gia đình tôi đã được ra khỏi diện hộ nghèo...
Trường hợp gia đình anh Kiệm chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân (tính từ năm 2011 đến nay) của xã Phúc Chu đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo. Thông qua Chương trình 134, Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ, hơn 100 hộ nghèo của xã đã được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà ở kiên cố. Thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc thuộc Chương trình 135, hàng trăm hộ nghèo của xã đã được hỗ trợ tiền mua cây, con giống, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2011-2012), xã đã tổ chức bình xét, thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo mua được 18 bộ máy cày cầm tay, 3 máy gặt cầm tay, 41 bộ máy bơm nước và tuốt lúa. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ các kênh tín dụng khác, được tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, tạo nguồn tăng thu nhập, cải tạo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, các tổ chức hội của xã đã đứng ra tín chấp cho các hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 8,6 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã cho biết: Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Ban Chấp hành Đảng ủy đều phân công cho từng đồng chí trong Ban Chấp hành chịu trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực ở xóm mình phụ trách, đặc biệt là công tác giảm nghèo. UBND xã cũng đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phối hợp với các đoàn thể triển khai đồng bộ các chương trình, các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước tới người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Chỉ đạo các đoàn thể, xóm tổ chức bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng đối tượng. Khi có sự hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, dự án, xã sẽ ưu tiên cho những hộ nghèo khó khăn nhất trước tiên.
Ông Hoàng Văn Phương, Bí thư Chi bộ xóm Nà De cho biết: Cái được lớn nhất của các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất là đã nâng cao được nhận thức và trình độ sản xuất của người dân. Ngoài việc mạnh dạn đưa các giống lúa lai (Nhị ưu 838, Syn6), lúa thuần và ngô lai chất lượng cao vào sản xuất, bà con còn tích cực đăng ký trồng rừng sản xuất. Hiện, xóm có trên 160ha rừng sản xuất, trong đó có một số hộ đã trồng được trên 10ha trở lên. Nhiều hộ đã được khai thác rừng trồng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, người dân trong xóm còn trồng được khoảng gần 3ha ngô lai để làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi...
Giờ đây, diện mạo nông thôn ở Phúc Chu đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Cơ sở vật chất ở các trường học, Trạm Y tế xã đã được đầu tư xây dựng khang trang và đạt chuẩn. Đường vào trung tâm xã đã được trải nhựa. Hầu hết đường trục chính ở các xóm đã được đổ bê - tông rộng rãi, sạch sẽ, thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Khoảng trên 90% số hộ đã mua sắm được xe máy, trên 70% số hộ có máy cày, máy bơm nước.