(TN) - Mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn còn không ít khó khăn, nhưng do những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, nhất là tình hình chính trị ổn định, Việt Nam vẫn là điểm đến làm ăn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn là nước có số vồn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhiều nhất với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, chiếm tới 22,6% tổng số vốn đầu tư FDI vào nước ta. Tiếp theo đứng thứ 2 là Hồng Kông với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 với số vồn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ 4 với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là trên 732 triệu USD, chiếm gần 10,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Các lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào các khu công nghiệp của Việt Nam. Hai lĩnh vực trên đã thu hút được 326 dự án với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng số vốn đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm 2014. Tiếp theo lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 16 dự án đăng ký cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 692,3 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 58 dự án đầu tư đăng ký cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố thì đến cuối tháng 6, cả nước có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4,85 tỷ USD, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2013. 6 tháng đầu năm nay cũng có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 6,85 tỷ USD; các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giải ngân được 5,57 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Đối với Thái Nguyên, do tiếp tục thực hiện tốt 3 lĩnh vực mang tính đột phá là đột phá trong quy hoạch, đột phá trong xây dựng hạ tầng và đột phá trong cải cách hành chính, nên vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào tỉnh. Ngoài cơ chế khung do chính phủ quy định, cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh ta cũng đã có những chính sách thu hút khác, trong đó coi trọng phát huy các lợi thế của tỉnh và triển khai thực hiện quyết liệt nên các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng đầu tư vào tỉnh. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm trước đây, nhất là trong năm 2013 vào tỉnh ta được triển khai đúng tiến độ, trong đó nhiều dự án lớn đã di vào hoạt động, tạo ra sản phẩm. Hiện nay, tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh ta đã đạt con số gần 4 tỷ USD.