Được đưa vào trồng trên đồng đất Võ Nhai từ năm 1995 nhưng phải đến những năm 2005, 2006, cây ngô lai mới được đưa vào trồng đại trà ở huyện vùng cao này. Với tỷ lệ diện tích chiếm trên 99% trong cơ cấu giống ngô, sản lượng trung bình đạt trên 30 nghìn tấn mỗi năm, cây ngô lai đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Đến huyện vùng cao Võ Nhai những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp một màu xanh ngắt của cây ngô, từ những chân ruộng thấp đến những bãi đất ven sông, suối, khe lạch và cả những nương bãi trên núi cao. Người dân đang tích cực chăm sóc những ruộng ngô đang tuổi trỗ cờ, phun râu. Bà Lý Thị Dé, người dân tộc Mông, xóm Lũng Luông, xã Nghinh Tường cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi trồng 15kg giống ngô lai NK4300 (khoảng hơn 1ha). Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng giống ngô ta truyền thống, năng suất khoảng 15-20 tạ/ha. Nhưng từ năm 2006, gia đình tôi chuyển sang trồng giống ngô lai, năng suất tăng gấp hơn 2 lần, đạt từ 40-45 tạ/ha. Ngoài phục vụ chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi bán được trên 4 tấn ngô, thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
Cũng như gia đình bà Lý Thị Dé, hiện nay, hầu hết bà con nông dân ở Võ Nhai, đặc biệt là những xã vùng cao như: Sảng Mộc, Nghinh Tường, Thượng Nung, Bình Long, Phương Giao, Cúc Đường… đều đã thay thế giống ngô ta truyền thống bằng các giống ngô lai năng suất cao như: DK 888, DK 999, DK 4300, LVN 61, LVN 99, CP 999, CP 888… Ông Trương Văn Pai, Bí thư Chi bộ xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá cho biết: Trước đây, đồng bào Mông ở Chòi Hồng chỉ trồng ngô nếp hoặc giống ngô đỏ vì năng suất ngô ta thấp nên đời sống của bà con rất khó khăn. Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống ngô lai vào trồng thử nghiệm. Cây ngô lai dễ trồng, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những loại cây trồng khác như: mía, sắn, đậu tương… nên 100% số hộ trong xóm đều trồng ngô lai. Từ khi cây ngô lai được trồng đại trà, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn. Nhiều gia đình đã xây được nhà mới, mua được xe máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt từ việc trồng ngô.
Ông Đặng Văn Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Để cây ngô lai khẳng định được vị thế như ngày hôm nay là cả một quá trình lâu dài. Năm 1995, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển cây ngô lai, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng các ô mẫu để người dân tham quan và mạnh dạn làm theo. Mặc dù, cây ngô lai đã sớm khẳng định ưu thế vượt trội về năng suất và hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng khác ở địa phương, nhưng do thói quen và tập quán canh tác từ lâu đời nên phải mất 5-6 năm sau, người dân mới dần từ bỏ các giống ngô truyền thống để chuyển sang trồng ngô lai. Đến năm 2006, cây ngô lai được trồng đại trà và thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện. Điều đáng mừng nhất là ở các vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: xóm Lân Vai, khu Làng Ươm, xã Dân Tiến; khu Lân Thùng, xã Phương Giao; xóm Kim Sơn, xã Thần Sa; xóm Lũng Hoài, Lũng Luông, xã Thượng Nung… bà con cũng đã thay thế hoàn toàn các giống ngô truyền thống bằng các giống ngô lai cho năng suất cao.
Để tạo điều kiện cho các hộ dân có tận dụng quỹ đất, đưa cây ngô lai vào trồng trên diện rộng, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã triển khai hiệu quả việc trợ giá, cung ứng giống đảm bảo chất lượng, cung ứng phân phón trả chậm. Đặc biệt, huyện còn có chính sách hỗ trợ những hộ có diện tích ngô lai lớn mua máy tẽ hạt, xây dựng lò sấy để bảo quản sau khi thu hoạch. Hằng năm các cơ quan chuyên môn của huyện còn phối hợp với những đơn vị cung ứng giống triển khai nhiều mô hình trình diễn giống ngô mới; đồng thời tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con. Trong đó ưu tiên những vùng khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, qua đó góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Nhờ đó, diện tích ngô lai của huyện không ngừng tăng qua các năm.
Nếu như năm 1996 toàn huyện chỉ có hơn 800ha ngô, trong đó ngô lai chiếm khoảng 5ha, thì năm 2006 diện tích ngô của huyện đã tăng lên gần 3.200ha, trong đó ngô lai chiếm khoảng 2.240ha. Đến năm 2013 toàn huyện có trên 6.700ha ngô, trong đó ngô lai là 6.640ha (chiếm khoảng 99%). Nhờ mở rộng diện tích ngô lai nên năng suất cây ngô cũng không ngừng tăng. Năm 1996, năng suất ngô của huyện mới đạt khoảng 17-20 tạ/ha thì đến nay, năng suất ngô đã đạt trên 42 tạ/ha. Riêng năm 2013, sản lượng ngô đạt hơn 30.300 tấn, chiếm gần 60% tổng sản lượng cây lương thực có hạt của huyện.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây ngô lai, ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Cây ngô lai đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất lương thực hằng năm của huyện. Do đó, phát triển cây ngô lai vẫn là hướng ưu tiên của huyện. Tuy nhiên, thay vì mở rộng diện tích, huyện sẽ chỉ đạo và khuyến khích người dân thâm canh tăng vụ, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.Hiệu quả từ phát triển cây ngô lai ở huyện vùng cao Võ Nhai đã cho thấy những bước đi đúng đắn trong việc lựa chọn cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng tại địa phương. Việc phát triển cây ngô lai đã đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, đem cuộc sống ấm no cho người dân.