Chỉ cách đây vài tháng, gần 500 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu thuộc cụm xóm Xuất Tác, xã Phương Giao (Võ Nhai) còn có điều kiện sống gần như tách biệt với các cụm xóm khác trong xã, bởi cụm xóm này chưa có điện lưới, giao thông khó khăn và không sóng điện thoại. Khỏi phải nói, bà con đã khao khát dòng điện lưới Quốc gia và vui mừng như thế nào khi điện về đến xóm.
Huyện Võ Nhai hiện còn 19 xóm, bản vùng khó khăn, xa xôi nhất. chưa có điện lưới Quốc gia. Ngành Điện đang tiếp tục xây dựng các trạm biến áp và đường dây để đưa điện về những vùng này. Tính riêng từ tháng 11-2013 đến nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có 4 trạm biến áp được xây dựng mới và đóng điện; có thêm 278 hộ được dùng điện lưới Quốc gia. |
Mong mỏi!
Chủ tịch UBND xã Phương Giao, ông Dương Hữu Kiều, vốn là lính kỹ thuật bản đồ trong Quân đội, với tay lấy một tờ giấy khổ A4 trên bàn làm việc rồi hý hoáy vẽ một lúc, sau khi tôi hỏi về tình hình cụm xóm Xuất Tác. Chỉ vào tờ giấy, ông Kiều giải thích: Địa bàn xã Phương Giao giống như một hình tam giác, chia làm 3 cụm xóm, gồm cụm Trung tâm, cụm Phù Trì và cụm Xuất Tác. Điều kiện của Phương Giao thuộc diện khó khăn nhất các xã phía Nam của huyện, cụm xóm Xuất Tác lại khó khăn nhất xã. Cụm xóm này ở xa nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, điện vừa mới về tới nơi, bà con vui lắm…
Đã 2 lần vào cụm xóm Xuất Tác (gồm 4 xóm: La Bả, Là Canh, Xuất Tác và Đồng Dong), đi đến đâu tôi cũng nghe bà con than thở vì chưa có điện lưới. Nhớ một lần, vì đường xa và trong vùng lại không có dịch vụ ăn uống, nên tôi “đành” làm thực khách của gia đình Chủ tịch Dương Hữu Kiều (ở xóm Đồng Dong). 5 người quây quần bên mâm cơm, những chiếc quạt nan đặt bên cạnh, ông Kiều thỉnh thoảng dừng đũa, với tay quạt cho khách, rồi phân trần: Bà con mong có điện quá chú à. Xã cũng đã đề nghị rồi, ngành Điện đang đầu tư. Không có điện thì khổ và thiệt thòi nhiều thứ, nhưng xã, xóm vẫn tuyên truyền để bà con yên tâm và kiên trì chờ đợi. Mình phải thông cảm cho Nhà nước chứ, còn nhiều thứ, nhiều vùng khó khăn cần ưu tiên đầu tư mà. “Đúng vậy!” - tôi quệt mồ hôi rồi nhâng chén rượu đáp lời mời từ gia chủ.
Xóm Đồng Dong có 225 hộ dân với 997 nhân khẩu, lại được chia làm 3 khu vực khá rõ ràng: Đồng Dong giữa chủ yếu là đồng bào kinh, Đồng Dong Dao và khu Lân Thùng (có 80 hộ người Mông). Đất canh tác dù không thiếu nhưng phần lớn thuộc loại bạc màu và gặp khó về thủy lợi, bà con dù quanh năm cần cù lao động nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám riết (xóm hiện còn 40% hộ nghèo, số cận nghèo cũng khá lớn).
Trưởng xóm Đồng Dong Dương Văn Cần cũng có mặt tại bữa cơm hôm đó, bảo bà con còn nghèo, lạc hậu cũng một phần bởi thiệt thòi do chưa có điện lưới, không truyền hình, không sóng điện thoại. Việc cơ giới hóa trong sản xuất gặp nhiều khó khăn do giá thành cao khi sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu. Cùng với đó là giao thông trắc trở, đoạn đường từ xã vào trung tâm cụm xóm dài hơn 5km rất xấu, chưa kể đường vào những xóm xa hơn và các cụm dân cư…
Chưa có điện lưới, bà con xoay xở, tự khắc phục bằng nhiều cách: Chung sức làm thủy điện mi ni để có ánh sáng phục vụ sinh hoạt, nhất là cho con trẻ học bài buổi tối; góp tiền mua máy phát điện nhỏ, hoặc “sáng chế” ra đủ loại đèn pin. Anh Cần vội “đính chính”, số hộ có điều kiện làm thủy điện nhỏ hoặc dùng máy phát điện chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì phần lớn bà con còn nghèo, đèn dầu vẫn phổ biến nhất, họp xóm cũng phải dùng đèn dầu. Bao năm qua, bà con “khát” điện! – giọng người Trưởng xóm trầm xuống.
Mở sáng tương lai
7 tháng từ khi đường dây trung thế và 2 trạm biến áp Đồng Dong, Là Canh được đóng điện, hiện đã có hơn 200 hộ dân ở khu vực Xuất Tác “kéo” được điện về nhà, thỏa nỗi khát khao bấy lâu nay. Trở lại Xuất Tác vào một ngày cuối tháng 6-2014, tôi có dịp tái ngộ Chủ tịch xã Dương Hữu Kiều, Trưởng xóm Đồng Dong Dương Văn Cần và một số người dân. Không như trước, giờ thì họ cười nhiều và lạc quan hơn hẳn. Đồng Dong đã có khoảng 100 hộ dân được dùng điện lưới.
Đặt quẩy ngô hạt trên vai xuống cửa hàng xay xát chờ đến lượt, người đàn ông kéo áo lau mồ hôi, rồi vui vẻ tham gia vào câu chuyện. “Tôi là Bế Văn Miên, ở bên kia núi. Nhà có một chuồng nuôi 4 con lợn ngoài nương, thường phải nghiền ngô cho chúng ăn. Lúc trước nghiền máy dầu, 20 cân ngô này tôi phải trả 20 nghìn đồng, giờ máy dùng điện thì giá còn đúng một nửa. Nhà nghèo nên 1 nghìn cũng quý anh ạ” – người đàn ông móm mém nói, sự kham khổ như hằn trên gương mặt chất phác.
Nhà ông Dương Hữu Sáng, xóm Đồng Dong đã làm dịch vụ xay xát từ năm 1996, cuối năm ngoái khi có điện lưới ông đã chuyển ngay sang máy xay xát dùng điện. Theo ông Sáng thì từ đó lượng khách hàng tăng lên đáng kể, vì giá thành rẻ hơn và bà con cũng mở mang chăn nuôi hơn trước. Có điện, nhà ông sắm quạt cây, mua tủ lạnh, màn hình ti vi Sony 40 inch thay cho chiếc ti vi đen trắng dùng nguồn thủy điện (thỉnh thoảng mới dùng được vì điện không ổn định). Ông bảo, trước đây mỗi khi có những trận bóng đá hay thì nhà tôi chật người đến xem, nhưng giờ thì hầu như nhà nào có điện cũng đều sắm ti vi nên chẳng còn phải “chung đụng”. Vui nhất là bọn trẻ, chúng thỏa thê chơi đùa dưới ánh điện vào buổi tối, học bài, xem phim.
Biết có thợ điện đến (anh Chu Xuân Bắc, cán bộ của Điện lực Võ Nhai, được cử đi thực tế cùng phóng viên - TG), nhà ông Dương Hữu Sáng mỗi lúc lại có thêm một người khách. Họ là người dân trong vùng đến để hỏi về thủ tục làm hợp đồng với ngành Điện, hoặc muốn được tư vấn cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Họ rôm rả chuyện trò, chia sẻ với nhau về những thiết bị điện mới mua được, dự định mua máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, nồi cơm điện về dùng cho đỡ vất vả. Anh Chu Xuân Bắc giải thích với mọi người: Nếu chưa đủ điều kiện làm hợp đồng riêng thì các bác có thể tạm thời chung nhau theo tổ, nhưng phải tuân thủ quy định về loại dây dẫn và khoảng cách. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện có thể, bà con cứ yên tâm…
Gần trọn 1 ngày trong khu Xuất Tác, tôi như đắm chìm trong tâm trạng phấn chấn cùng người dân nơi đây. Đoạn đường trở ra trung tâm xã như gần hơn. Giờ tôi mới nhớ tới thông tin mà ông Dương Hữu Kiều cung cấp lúc trước, đường từ xã vào trung tâm cụm Xuất Tác đã được tu sửa, nâng cấp hoàn thành tháng 3 vừa qua. Dù vẫn là đường đất nhưng đã dễ đi hơn rất nhiều. Còn nữa, nhà mạng di động đã cơ bản hoàn thành cột sóng và sẽ đưa vào hoạt động trong vài ngày tới; ngành Điện cũng sẽ đầu tư thêm đường dây hạ thế sau trạm, để điện đến gần với bà con hơn… Chắc rằng, nếu có dịp trở lại, tôi sẽ được chứng kiến sự “chuyển mình” rõ nét của vùng đất này.