Thái Nguyên hiện có trên 19.100ha chè. Phải khẳng định rằng cây chè từ vị trí là cây xoá đói, giảm nghèo trong những năm gần đây đã trở thành cây mũi nhọn, góp phần làm giàu cho người làm chè trong tỉnh. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích chè, đặc biệt là chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè đang có những bất cập khiến chính quyền cơ sở lúng túng chưa tìm ra lời giải thoả đáng.
Kỳ 1: Vì sao người dân lấp ruộng trồng chè?
So với cấy lúa thì làm chè vừa nhàn, vừa cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Đó chính là lý do cơ bản khiến không ít người dân ở một số địa phương trong tỉnh lấp ruộng trồng chè nhằm mục đích phát triển kinh tế gia đình…
Ruộng thành bãi
Trước tiên phải nói rằng, hiện tượng người dân đổ đất lấp ruộng để trồng chè không phải chỉ diễn ra mới đây mà từ năm 2006, ở các địa phương, một số gia đình đã thực hiện việc chuyển đổi và trong khoảng 3 năm trở lại đây, hiện tượng này càng trở nên phổ biến, tập trung nhiều ở những vùng chè như: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Cao, xã Tân Linh (Đại Từ) vào thời điểm bà con đang thu hoạch chè. Trên diện tích chè rộng chừng 3ha đang tủa búp non, ông Nguyễn Phan Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Linh cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích này là cánh đồng lúa, nhưng từ khi kênh dẫn nước vào đồng bị vỡ, không chủ động được nguồn nước để cấy, bà con có ruộng thuộc cánh đồng này đã chuyển hết sang trồng chè. Tính đến nay, diện tích chè này đã cho thu hoạch vài chục lứa.
Không chỉ ở cánh đồng Cao, mà ở vùng chè Phú Lương, nơi có đến 21 làng nghề trồng và chế biến chè, rất nhiều thửa ruộng cũng đã bị đổ đất để trồng chè thay thế. Ông Đỗ Quang Hoan, Trưởng xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: Xóm có 110 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 62ha. Trên sổ sách thì xóm hiện có gần 12ha đất trồng lúa, nhưng thực tế bà con đã chuyển đổi gần hết diện tích đất lúa sang trồng chè. Đến nay, toàn xóm chỉ còn trên 1ha đất lúa vì nhiều lý do không chuyển sang trồng chè được thì hầu hết bà con không canh tác. Gia đình tôi cũng có 2 sào ruộng bỏ không mấy năm nay, do các thửa xung quanh bà con đổ đất cao để trồng chè, ruộng nhà tôi không có đường tiêu nước quanh năm úng ngập nên không thể cấy được, hiện tôi cũng đang có nhu cầu chuyển diện tích này sang trồng chè.
Ông Nguyễn Lương Đằng, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Theo bản đồ địa chính của xã thì hiện toàn xã có gần 247ha đất trồng lúa, nhưng vừa qua xã cử cán bộ địa chính đi thống kê diện tích đất lúa hiện còn trên thực tế thì hơn một nửa đã bị chuyển đổi sang trồng chè, chỉ có trên 100ha đất lúa, trong đó có diện tích bà con vẫn đang canh tác, có diện tích lại bỏ không.
Tính đến nay, toàn tỉnh chưa có con số thống kê cụ thể về những diện tích đất cấy lúa mà người dân tự ý chuyển đổi sang trồng chè, mới chỉ có UBND huyện Phú Lương chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện thống kê các diện tích sử dụng sai mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp. Theo đó, toàn huyện có gần 86.000m2 đất sử dụng sai mục đích, trong đó hầu hết là đất lúa được chuyển sang trồng chè, còn lại một phần nhỏ là bà con sử dụng vào mục đích làm vườn, trồng màu và làm đường.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế
Để lý giải vì sao gia đình lại lấp ruộng để trồng chè, chị Nguyễn Thị Hiền, xóm 3, xã Tân Linh đã đưa ra con số hạch toán: Cứ một sào ruộng nếu cấy lúa 2 vụ trong điều kiện thuận lợi thì thu được khoảng 4 tạ thóc, bán với giá 6.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập khoảng 2,4 triệu đồng. Trừ công chăm bón, đầu tư giống, phân bón chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng. Nhưng nếu trồng chè, với các giống chè lai như hiện nay, mỗi lứa thu được khoảng 30kg chè khô, mỗi năm từ 7-8 lứa, trừ chi phí vẫn lãi khoảng 15 triệu đồng. Đó chính là lý do mà gia đình tôi và nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng chè.
Để khẳng định thêm trồng chè cho thu nhập cao hơn hẳn cấy lúa, anh Phạm Văn Hoà, xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương) cũng làm phép tính: Gia đình tôi có 4 sào ruộng, trước đây tôi cấy lúa 2 vụ, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt thì thu hoạch trên 13tạ thóc, bán được khoảng 8 triệu đồng chưa trừ chi phí. Từ năm 2010, thấy một số hộ trong xóm trồng chè cho hiệu quả cao, tôi đã chuyển hết diện tích này sang trồng chè cành bằng các giống Kim Tuyên, TRI 777. Bình quân mỗi lứa, tôi thu 30kg chè búp khô, mỗi năm 7 lứa, bán được khoảng 40 triệu đồng.
Từ những con số hạch toán trên, cho thấy trồng chè cho thu nhập cao hơn 5-7 lần cấy lúa. Hơn thế, hầu hết các diện tích mà bà con thực hiện chuyển đổi đều là những khu ruộng kẹp, ngàn cao, ruộng cấy 1 vụ, không chủ động thuỷ lợi… sau khi chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần. Thậm chí có những khu ruộng không thể cấy lúa được, nên sau khi chuyển đổi hiệu quả kinh tế đã tăng vọt, kinh tế gia đình khá hơn hẳn.
Xã Bá Xuyên là một xã thuần nông của T.X Sông Công, đời sống nhân dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ngoài 241ha đất cấy lúa hai vụ thì xã có đến hơn 100ha là các chân ruộng cao chỉ cấy được 1 vụ lúa/năm, đời sống của bà con có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 27,8%. Nhưng trong vài năm trở lại đây, bà con đã thực hiện chuyển đổi những chân ruộng cấy lúa một vụ sang trồng các giống chè cành như: Kim Tuyên, TRI 777… Từ chỗ toàn xã chỉ có 10ha chè năm 2004 thì đến nay toàn xã đã có khoảng 150ha. Hiện, tổng sản lượng chè búp khô toàn xã đạt trên 120 tấn/năm. Nhờ đó mà đời sống của người dân đã được cải thiện, nhiều hộ giàu lên nhờ chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng chè. Nếu như năm 2006, toàn xã có gần 200 hộ nghèo, chiếm tới 27,8%, thì đến nay, toàn xã chỉ còn trên 10 hộ thuộc diện nghèo.
Không thể phủ nhận, việc chuyển đổi những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay việc chuyển đổi này vẫn mang tính tự phát, không theo quy hoạch, tạo nên bức tranh nông nghiệp manh mún và đặc biệt là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
(Còn nữa)