Trên thực tế, việc chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng chè là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của người dân và chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải đổ đất, lấp ruộng tôn tạo mặt bằng để trồng chè, bởi thế đã làm thay đổi kết cấu đất, vi phạm những quy định của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Việc chuyển đổi cần thực hiện đúng quy định
Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Cần xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp chuyển đổi đất ruộng không vì mục đích canh tác để tránh tình trạng một số người lách luật chuyển sang phục vụ các mục đích khác… Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, toàn tỉnh có 19.141ha chè, vượt kế hoạch của tỉnh đến năm 2015 là trên 1.100ha. Người dân cần thâm canh, cải tạo tốt diện tích chè hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Tỉnh không khuyến khích mở rộng diện tích chè một cách tràn lan, đối với diện tích nào thực sự cần thiết mới đề nghị chuyển đổi… |
Biết vi phạm nhưng vẫn cố tình chuyển đổi
Theo định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển sản xuất nông nghiệp theo ngành hàng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cả nước phải bảo vệ quỹ đất lúa ổn định đến năm 2020 là 3,812 triệu ha và áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn vào năm 2020 và 44 triệu tấn vào năm 2030…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 353.172ha, trong đó có 41.000ha là đất trồng lúa, chiếm 14,68% diện tích đất nông nghiệp. Điều này có nghĩa là từ nay đến năm 2020, tỉnh ta phải bảo vệ nghiêm ngặt 41.000ha đất trồng lúa không được chuyển sang các mục đích sử dụng khác. Để bảo vệ được diện tích đất lúa theo quy hoạch, Chính phủ đã có Nghị định số 42 ngày 11-5-2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong đó quy định rõ không được gây ô nhiễm, làm thoái hóa, biến dạng mặt bằng của đất dẫn đến không trồng lúa được; không được bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng. Khi người dân chuyển đổi các diện tích cấy lúa sang trồng chè đều phải đổ thêm đất, tôn tạo mặt bằng, việc làm này đã làm thay đổi kết cấu đất, vi phạm quy định của Nghị định số 42.
Hiện nay, thực hiện quy định của Nhà nước, chính quyền các địa phương trong tỉnh vẫn ra sức ngăn chặn việc người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng chè, thông qua tuyên truyền pháp luật, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc ngăn chặn là rất khó bởi không thể kiểm tra, kiểm soát hết toàn bộ diện tích đất lúa ở từng xóm, bản. Nhiều trường hợp khi chính quyền phát hiện ra thì người dân đã thực hiện san lấp xong. Hơn nữa, nhiều người dân biết là vi phạm các quy định của Nhà nước nhưng chấp nhận chịu phạt và cố tình chuyển đổi.
Ông Nguyễn Lương Đằng, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, Phú Lương cho biết: Hầu hết các trường hợp đều làm lén lút vào ngày nghỉ hoặc ban đêm. Trước khi san lấp, người dân đã có sự chuẩn bị từ trước, tập hợp phương tiện máy móc, thiết bị để triển khai thật nhanh. Khi chính quyền phát hiện thì ruộng đã biến thành bãi. Việc xử phạt vi phạm đã nằm trong tính toán của dân, vì thế nên khi xã lập biên bản, nhiều người đã chủ động nộp phạt. Ngăn chặn người dân đổ đất xuống ruộng đã khó, yêu cầu người dân khôi phục lại hiện trạng diện tích đất đã san lấp như ban đầu càng khó hơn. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào trên địa bàn xã thực hiện việc khôi phục diện tích đã chuyển đổi. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp tự ý chuyển đổi đất lúa sang trồng chè và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng người dân chỉ nộp phạt, không có trường hợp nào khôi phục lại hiện trạng đất.
Nói về những khó khăn trong quản lý đất đai Ông Nguyễn Phan Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Linh (Đại Từ) cho biết: Xã cứ lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, dân sẵn sàng nộp phạt rồi cố tình chuyển đổi. Nhiều người còn “lập luận” với cán bộ xã rằng “không cho chúng tôi chuyển đổi cây trồng phát triển sản xuất, chúng tôi nghèo thì ai sẽ có trách nhiệm lo cuộc sống cho chúng tôi?”.
Chuyển đổi phải theo quy hoạch
Tỉnh ta hiện có 48.000ha đất trồng lúa, trong đó có 11.000ha trồng lúa 1 vụ. Với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác, nâng cao đời sống của người nông dân, thì chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè là việc nên làm nhưng không thể làm bừa bãi, ồ ạt, mà cần phải được thực hiện từng bước, đúng quy định. Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc thay đổi kết cấu đất dễ nhưng để khôi phục lại hiện trạng lại mất một quy trình rất lâu. Trong khi đó, nhiều người chuyển đổi đất không nhằm mục đích canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, việc chuyển đổi cần phải được xem xét kỹ lưỡng, thực hiện đúng quy định, đồng thời đảm bảo được tính kế hoạch, quy hoạch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã, huyện, tỉnh. Trước mắt, các địa phương vẫn phải thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, không để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Cùng với đó, các xóm, xã thực hiện rà soát, thống kê các diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả, có nhu cầu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để đề nghị được chuyển đổi trên cơ sở quy hoạch của tỉnh.
Phú Lương là huyện đầu tiên trong tỉnh chủ động thực hiện việc rà soát, thống kê các diện tích đất mà bà con đã tự ý chuyển đổi. Ông Phạm Bình Công, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xuất phát từ thực tế và từ đòi hỏi nâng cao đời sống cho nhân dân, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo rà soát, thống kê xong những diện tích đất bà con đã tự ý chuyển đổi. Trên cơ sở đó, huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đề nghị phê duyệt, cho phép những phần diện tích đất đủ điều kiện được chuyển đổi.
Về phía tỉnh, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế của nhân dân nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt nghị quyết quy hoạch sử dụng đất và đặc biệt là không vi phạm các quy định của Nghị định 42, tỉnh cũng cần có quy hoạch đối với diện tích đất trồng lúa. Từ đó, có biện pháp bảo vệ nghiêm đối với 41.000ha đất lúa mà Chính phủ giao, còn lại có thể xem xét đề nghị cho chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang trồng chè cũng phải căn cứ vào quy hoạch vùng chè và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương nhằm tránh tình trạng sản xuất manh mún, không tập trung như hiện nay.