Dấu ấn doanh nghiệp vốn FDI

11:00, 12/07/2014

6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng kỷ lục từ trước đến nay. Việc gia tăng mạnh mẽ này không nằm ngoài dự đoán của các nhà xây dựng kế hoạch bởi những tháng đầu năm có sự góp mặt quan trọng của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam với các sản phẩm điện tử cao cấp có giá trị rất lớn. Tuy vậy, khu vực công nghiệp trong nước vẫn còn những khó khăn nhất định.

Hoàn thành kế hoạch trước 6 tháng

 

Kết thúc tháng 6 năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt trên 49,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 4,2% kế hoạch năm. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ là: quặng sắt và tinh quặng chưa nung tăng 3,2 lần; công cụ, dụng cụ các loại tăng 37,5%; sản phẩm may mặc tăng 29%; sản phẩm chịu lửa tăng 20%; gạch xây dựng tăng 18,3%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 12,6%; sắt thép các loại tăng 6,7%; nước máy thương phẩm, điện thương phẩm tăng từ 2-3%...

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp về trước kế hoạch tới 6 tháng là một kỷ lục mà không phải địa phương nào cũng làm được. Đây là bước đột phá quan trọng của ngành công nghiệp, đánh dấu sự phát triển kinh tế vượt trội của tỉnh. Các nhà chuyên môn dự đoán, 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp còn tăng mạnh hơn nữa bởi có thêm một số dự án đi vào sản xuất ổn định, trong đó có những dự án quy mô lớn, chiếm tới 30-40% giá trị sản xuất toàn ngành.

 

Đóng góp của doanh nghiệp vốn FDI

 

Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là khu vực có sức đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng tới 73% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và của toàn ngành công nghiệp nói riêng. 6 tháng qua, khu vực này đạt giá trị trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 35 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt tới 122,6% kế hoạch năm. Trong đó đáng chú ý có nhóm sản phẩm công nghiệp mới là điện tử, viễn thông do Samsung Thái Nguyên đóng góp. Mặc dù mới đi vào sản xuất từ tháng 3 năm nay, nhưng sự góp mặt của đơn vị này đã tạo ra sự đột biến về giá trị sản xuất. Tính đến hết tháng 6, Samsung Thái Nguyên đã sản xuất được 5,4 triệu chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng và hàng triệu chiếc bao da ốp lưng điện thoại.

 

Cùng với Samsung, các dự án FDI khác cũng có những đóng góp quan trọng. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội; Công ty TNHH Wiha Việt Nam; Công ty Mani Hà Nội; Công ty May Banpo; Công ty TNHH Liên doanh Lửa Việt; Công ty TNHH thực nghiệm Trung Nhất Bảo Thắng Việt Nam; Công ty Natsteel Vina; Công ty TNHH Glonics Việt Nam... Cụ thể, Công ty Mani Hà Nội, đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ y tế xuất khẩu những tháng qua đã ký được hợp đồng xuất khẩu khá ổn định nên thường xuyên duy trì được nhịp độ sản xuất cao với giá trị bình quân hàng tháng đạt gần 40 tỷ đồng. Tương tự, Công ty TNHH liên doanh Lửa Việt, doanh nghiệp sản xuất vật liệu chịu lửa trên địa bàn cũng sản xuất và tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 45 tấn sản phẩm chịu lửa. Theo nhận định của Công ty thì từ tháng 7 trở đi, sản lượng tiêu thụ gạch chịu lửa sẽ tăng mạnh. Công ty TNHH Wiha Việt Nam cũng đạt doanh thu trung bình hàng tháng trên 479 nghìn USD...


Công nghiệp trong nước chưa hết khó

 

Theo ông La Hồng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê thì khu vực công nghiệp trong nước (gồm cả công nghiệp Trung ương và địa phương) mặc dù đã có những dấu hiệu sản xuất ổn định hơn, nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, khó khăn nhất là khối các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Số liệu báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong khối này hiện còn chiếm tỉ lệ khá cao: Thép cán tồn kho khoảng 54 nghìn tấn, tăng 50% lượng tồn kho so với cùng kỳ (tăng do tháng 5 sản lượng thép cán đạt cao, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa hết khó khăn); xi măng tồn kho 35 nghìn tấn; than khai thác tồn 52 nghìn tấn; quặng sắt tồn kho 400 nghìn tấn...

 

Áp vào từng doanh nghiệp cụ thể sẽ thấy rất rõ những khó khăn ở khu vực này. Với Mỏ than Núi Hồng, 6 tháng qua, trung bình mỗi tháng đơn vị khai thác được khoảng 50 ngàn tấn than sạch các loại, nhưng do khó khăn về thị trường nên hiện đơn vị còn tồn kho khoảng 35 nghìn tấn. Các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn gồm: Xi măng La Hiên, xi măng Quang Sơn, Quan Triều tuy có lượng hàng tồn kho không nhiều nhưng sản lượng lại không như mong muốn. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm này, Công ty còn để tồn trên 40 nghìn tấn thép các loại, tương ứng giá trị trên 800 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG mặc dù 6 tháng đầu năm tiêu thụ sản phẩm khá tốt so với cùng kỳ, song hiện vẫn còn tới trên 2,4 triệu sản phẩm chưa xuất kho. Công ty TNHH Quang Trung, để tồn ứ trên 9 triệu viên gạch các loại, trong khi cả 6 tháng đầu năm đơn vị này sản xuất được hơn 10 triệu viên. HTX Cao cấp Cộng Lực với sản phẩm chính là ống cống xi măng, đế cống các loại, nhưng hiện còn để tồn kho trên 3.400 ống cống, đế cống...