Đó là đánh giá của bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", diễn ra ngày 3-7.
Theo bà Lê Việt Nga, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...
Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt. Theo bà Nga, điều này đã giúp hàng nội nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng.
Đánh giá về 5 năm thực hiện Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng: Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04% so với tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn đó là: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều hội chợ triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần tuý mà chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này; Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động...
Vì vậy, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thời gian tới Ban Chỉ đạo cuộc vận động cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành nghề/ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014.
Ban chỉ đạo cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại....Đồng thời, cần phối hợp các bộ ngành, cơ quan tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mạnh hơn nữa.../.