Lộn xộn áp “trần” giá sữa

16:25, 02/07/2014

Theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5 của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực từ 1-6-2014 thì sau 20 ngày (tức là từ 21-6-2014 trở đi), giá bản lẻ tối đa tất cả các loại sữa đều phải niêm yết công khai và không được vượt quá 15% giá bán buôn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh những cơ sở kinh doanh thực hiện tương đối tốt thì vẫn còn không ít cơ sở không thực hiện vì nhiều lý do khác nhau…

Chủ trương đúng

 

Theo nội dung Quyết định, 25 loại sữa (chiếm 60% thị phần) bắt đầu bị áp giá trong khâu bán buôn từ ngày 11-6. Các sản phẩm sữa còn lại sẽ được so sánh với 25 loại sữa này và dựa vào đó để áp dụng tính giá trần. Đối với khâu bán lẻ, bắt đầu thực hiện từ ngày 21-6. Bộ Tài chính cũng quy định giá bán lẻ tối đa không được vượt quá 15% so với giá bán buôn. Đồng thời, giá mới này cũng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường. 5/5 doanh nghiệp kinh doanh sữa nằm trong danh sách của Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xác định giá trần bán buôn về cơ quan chức năng theo quy định đối với 141 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam); Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam, Công ty sữa TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần sữa Việt Nam. Tính đến ngày 27-6, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 4 công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa thực hiện việc đăng ký giá với Sở Tài chính và nhiều cơ sở bán lẻ mặt hàng này cũng đã triển khai việc bán hàng theo giá mới. Theo đó, cơ bản các loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi đều giảm đáng kể, trung bình từ 25-30 nghìn đồng/hộp (loại 400gr)…

 

Bất cập trong cách tính bù

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, còn rất nhiều lúng túng và cả những bất cập trong việc thực hiện niêm yết công khai giá bán lẻ và bán buôn sữa trên địa bàn tỉnh. Chị N.T.P, chủ cửa hàng tạp hóa ở khu vực Gang thép, T.P Thái Nguyên bức xúc: Chỉ có hãng Enfamil và Abbott Grow là thực hiện việc kiểm kê và bù giá nhanh, đúng với thực tế và đáp ứng được nguyện vọng của chủ các các hàng. Còn những hãng khác mà nhà tôi kinh doanh đều rất thiếu trách nhiệm trong việc bù giá chênh lệch đối với lượng hàng tồn. Cụ thể: Đối với hãng Friso chỉ thực hiện bù giá với điều kiện cửa hàng đó phải lấy 1 lượng hàng mới bằng với lượng hàng tồn. Đối với cửa hàng còn ít thì không sao, nhưng với cửa hàng vừa nhập hàng chục triệu đồng như tôi thì tôi không thể lấy thêm 1 lượng hàng như thế vì mùa hè, lượng tiêu thụ sữa khá chậm, còn nếu cứ nhập sẽ dễ bị để quá hạn. Vì thế, chị P không ngần ngại cho biết, chúng tôi đành bán theo kiểu “xập xí xập ngầu”, nghĩa là ai biết thì bán giá mới, ai không biết, vẫn bán giá cũ. Đây cũng là biện pháp cực chẳng đã mà những cửa hàng không lớn như chúng tôi phải áp dụng.

 

Đối với hãng NAN thậm chí họ còn không hề kiểm kê hàng tồn mà tự đưa ra mức bù dựa theo mức độ trưng bày của từng cửa hàng, thế nên, cửa hàng nào hết hoặc còn ít thì hòa vốn thậm chí là có lợi, còn cửa hàng còn nhiều thì thiệt nặng. Cụ thể như với cửa hàng của chị P, lượng hàng tồn tính ra phải được bù 1,4 triệu đồng nhưng họ chỉ bù cho 500 nghìn đồng và trả bằng sản phẩm bột ăn dặm. Bức xúc hơn cả có lẽ phải kể đến cách tính của Vinamilk. Trong khi trước đó, hãng này nhắn tin cho các chủ cửa hàng thông báo rằng “Vinamilk cam kết sẽ hỗ trợ hết sức phần chênh lệch giá đối với số hàng còn lại của 5 sản phẩm bị áp giá trần nhằm đảm bảo quyền lợi của quý khách hàng… yêu cầu quý khách hàng lưu lại hóa đơn và phiếu giao hàng để thuận tiện cho việc xác định giá trị hỗ trợ…”.

 

Vậy nhưng trên thực tế, mặc dù họ tiến hành kiểm kê hàng tồn nhưng lại không thực hiện việc bù theo số lượng đã kiểm kê mà tính theo đơn hàng của một số ngày nhất định trong tháng 4 và tháng 5. Cửa hàng nào lấy hàng đúng vào ngày Vinamilk đưa ra thì được bù với mức tương xứng, còn nếu không lấy đúng vào ngày đó thì sẽ không được tính bù. Cách tính vô lý này cũng dẫn đến việc, có cửa hàng được bù nhiều, có cửa hàng được bù ít.

 

May mắn hơn cửa hàng của chị P, bà Trần Thị Nhỡ, chủ Cửa hàng tự chọn ở phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên cho biết: Rất may, vào thời điểm đó, lượng sữa tồn của Cửa hàng không đáng kể nên việc các công ty tính bù tiền cho các sản phẩm tồn đối với cửa hàng tôi không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí với một số hãng, chúng tôi còn có lợi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cách tính của nhiều hãng sữa thời gian qua thực sự rất bất hợp lý, khiến nhiều chủ cửa hàng bức xúc. Cũng chính sự bất hợp lý đó mà nhiều cửa hàng bán lẻ chưa thể bán được với giá mới theo quy định và như vậy, người tiêu dùng vẫn là đối tượng cuối cùng phải chịu thiệt thòi…

 

Nhiều sai phạm trong bán buôn, bán lẻ

 

Không chỉ bất cập trong cách tính bù giá đối với các sản phẩm tồn, mà việc chấp hành về giá bán buôn, bán lẻ của nhiều cơ sở kinh doanh cũng có những điều cần nói. Theo bảng giá tối đa bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính thì không ít cơ sở kinh doanh đã bán vượt mức quy định. Đơn cử như đối với sản phẩm IMP Friso gold 3 900gr, giá quy định tối đa của Bộ Tài chính là 365.000 đồng, thì có cơ sở bán tới 396.000 đồng; tương tự với IMP Frisolac gold 1 400gr giá quy định tối đa là 196.000 đồng, thì có cơ sở bán tới 217.000 đồng; hay như SP Dielac Pedia 1+HT 900gr giá quy định 278.000 đồng thì lại bán tới 294.563 đồng… Cùng với việc bán vượt quá giá trần quy định của Bộ Tài chính thì lại có doanh nghiệp bán với giá cao hơn so với giá đăng ký với Sở Tài chính. Đơn cử như đối với Doanh nghiệp tư nhân C.H: Sản phẩm Frisolac gold 2 400gr giá đăng ký với Sở Tài chính là 210.300 đồng nhưng thực tế đã bán buôn cho các cửa hàng bán lẻ là 215.368 đồng…

 

Từ sự bất hợp lý trong cách tính bù hàng tồn dẫn tới việc “xập xí xập ngầu” của các cửa hàng bán lẻ thì ngay cả một số siêu thị như Tôn Mùi 2 (phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên) sau ngày 21-6 vẫn có những sản phẩm bán vượt quá 15% mức giá bán buôn tối đa do Bộ Tài chính quy định. Cụ thể là đối với dòng sản phẩm Enfagrow loại A+3 vanilla 1.800gr lẽ ra chỉ được bán với giá tối đa là 647.450 đồng, nhưng siêu thị này vẫn bán với giá 687.00 đồng (vượt tới 22% so với mức giá bán buôn); hay như sản phẩm Enfamil A+1 900gr, giá bán lẻ tối đa chỉ được 438.150 đồng, thì siêu thị này bán tới 485.000 đồng…

 

Được biết, để việc thực hiện Quyết định 1079 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, từ ngày 2-6, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long đã có Công văn số 1309 gửi các sở, ngành có liên quan và các địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thực hiện công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của các tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn theo thẩm quyển; kiểm tra việc thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật… Mong rằng, với sự chỉ đạo này, các ngành chức năng của tỉnh sẽ sớm vào cuộc để chấn chỉnh kịp thời việc “làm giá” của các cơ sở kinh doanh sữa, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng cũng như để Quyết định 1079 của Bộ Tài chính thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng trong đời sống.