Xã Phúc Thuận là địa phương đầu tiên của huyện Phổ Yên phát triển mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Năm 2013, xã đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đầu tư 5,7 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè của bà con.
Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận cho biết: Xã có khoảng 600ha chè, trong đó 70% diện tích đã được bà con chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các loại chè cành như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… Năm 2013, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP là Đức Phú (xóm Đức Phú) và Bãi Hu (xóm Bãi Hu) với tổng diện tích 37,5ha và 135 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, người dân đã dần làm quen với quy trình kỹ thuật mới từ khâu chăm sóc đến thu hái, bảo quản sản phẩm như: Thường xuyên ghi chép về tình hình sản xuất; chuyển từ bón phân hóa học sang bón phân sinh học, vi sinh cho chè; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thời gian quy định... Tuy vậy, việc thực hiện của bà con vẫn còn những hạn chế, dẫn đến chất lượng chè chưa đạt đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Nhằm khắc phục tình trạng này, tháng 6-2013, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn Phúc Thuận làm điểm để thực hiện Tiểu dự án “Nâng cao chất lượng sản xuất chè an toàn” do Ban quản lý dự án QSEAP tỉnh làm chủ đầu tư. Theo đó, xã đã được đầu tư 5,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, bao gồm: kênh mương nội đồng, đường giao thông, bể thu gom phế thải, nhà trưng bày sản phẩm. Đến nay, các công trình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, bà con 2 xóm đã có ý thức thu gom các loại vỏ bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu vào 13 bể thu gom vật liệu phế thải vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất chè an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cải thiện độ sạch của chè.
Bên cạnh đó, khi được đầu tư nguồn vốn, nhân dân 2 xóm đã hiến đất, góp công sức để hoàn thành cứng hóa trên 2.100m đường giao thông chạy từ trục chính và các tuyến đường nhánh của 2 xóm tới vùng sản xuất chè, thay thế cho những tuyến đường đất, nhỏ hẹp, giúp người dân và các phương tiện đi lại dễ dàng hơn. Ông Phạm Văn Yên, Trưởng xóm Bãi Hu chia sẻ thêm: Trước kia, gia đình tôi vẫn phải bơm nước từ dưới sông lên các bãi chè, mất chi phí tiền điện, song một số diện tích ở xa vẫn không được cấp nước đầy đủ. Từ vụ đông xuân năm 2013, 2.000m kênh mương theo dự án đã được cải tạo và đưa vào sử dụng, không những giúp gia đình tôi tiết kiệm được tiền bơm nước mà còn góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho chè, hiện tượng cây chè khô héo, vàng lá do thiếu nước đã không còn xuất hiện.
Ngoài ra, một nhà đóng gói và bảo quản sản phẩm có tổng diện tích mặt bằng khoảng 300m2 đã được xây dựng, gồm: 1 phòng đánh hương, hút chân không, đóng gói sản phẩm; 1 phòng kết hợp bảo quản và trưng bày sản phẩm. Cùng với đó, 2 tổ hợp tác còn được đầu tư mua sắm trang thiết bị như: Tủ trưng bày, máy hút chân không bằng inox, máy đánh hương… Mới đây, công trình đã được nghiệm thu và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ông Trần Văn Tường, tổ viên tổ hợp tác chè Đức Phú nói: Gia đình tôi có 7 sào chè cành sản xuất theo quy trình VietGAP, với sản lượng chè khô gần 7 tạ/năm. Vì vậy, ngoài việc tự liên hệ khách hàng, tôi vẫn phải gửi chè ở một số cửa hàng tạp hóa để nhờ họ quảng bá tới người tiêu dùng. Nay có phòng trưng bày sản phẩm nằm ở gần trung tâm xã, tôi tin rằng, mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ chè sẽ thuận lợi hơn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhờ được đầu tư một cách đồng bộ, diện tích chè của 2 tổ hợp tác Đức Phú và Bãi Hu có điều kiện phát triển tốt, năng suất chè khô đạt trên 2 tấn/ha; giá bán bình quân khoảng 250.000 đồng/kg. Vùng sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tại Phúc Thuận hứa hẹn sẽ tạo động lực cho người dân trong xã nói riêng và huyện Phổ Yên nói chung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững.