Người con của bản Mông

09:12, 11/07/2014

Thật thà, chất phác nhưng năng động, nhiệt tình trong công việc chung của xóm… là những điều chúng tôi nhận thấy ở anh Sầm Văn Giàng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Động Đạt (Phú Lương), kiêm Trưởng xóm Đồng Tâm qua cuộc trò chuyện với anh.

Luôn được bà con tin yêu

 

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi đến nhà anh Sầm Văn Giàng, tôi vẫn không gặp anh. Vợ anh, chị Mã Thị Sang mặc chiếc váy hoa dân tộc Mông xúng xính ra tiếp nước chúng tôi. Mười một giờ trưa, tôi mới thấy anh Giàng lái chiếc máy kéo về, sau xe chở đầy những bắp ngô vàng óng. Thấy chúng tôi, anh nở nụ cười hiền nói: "Ở xóm tôi, ngày mùa là vậy đấy, buổi trưa mọi người đều ra đồng cả, nếu chị không hẹn trước tôi sẽ làm việc ở ngoài đồng thông trưa".

 

Anh Giàng sinh năm 1982, nhưng cách nói chuyện của anh rất chững chạc. Mới làm Trưởng xóm Đồng Tâm được gần một năm nay nhưng mọi việc trong xóm anh Giàng đều nắm rõ, tôi hỏi đến đâu, anh không cần giở sổ mà nói rất cụ thể và chính xác.

 

Xóm Đồng Tâm có 53 hộ, 239 nhân khẩu, người dân tộc Mông chiếm tới 95% số dân trong xóm. Anh Giàng chia sẻ: Đồng bào dân tộc Mông chúng tôi còn nhiều vất vả lắm, học hành lại ít. Nhận thấy cái chữ rất quý, ngay từ khi chưa đảm nhiệm Trưởng xóm, tôi đã vận động trẻ em trong xóm đi học. Ban đầu, vận động trẻ đi học khó khăn lắm! Đến nhà phụ huynh thường nói: Chúng nó lớn phải để chúng làm việc, rồi còn dựng vợ, gả chồng nữa chứ, đi học cái chữ có ăn được đâu? Nhưng tôi vẫn kiên trì đến từng nhà vận động. Đường khó cũng phải đi, đến một lần không khai thông được tư tưởng phụ huynh thì đến nhiều lần. Thấy một số cháu nhỏ không đến trường, nguyên nhân do kinh tế gia đình khó khăn, tôi cùng Ban Công tác Mặt trận xóm đóng góp tiền để giúp đỡ các cháu. Kết quả, đến nay 100%, trẻ em trong độ tuổi ở xóm Đồng Tâm đều được cắp sách tới trường; hiện xóm có 1 em đang học lớp 10; 2 em đang theo học lớp 11 và 4 em đang theo học lớp 12.

 

Không chỉ chăm lo chuyện học hành của con trẻ, anh Giàng còn là người vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động bà con không đi theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Anh Giàng nhớ lại, trong khoảng thời gian tháng 4-2013, xóm tôi xuất hiện một số phần tử đến vận động người dân trong xóm đi theo tổ chức truyền đạo bất hợp pháp Dương Văn Mình, mục tiêu nhắm đến là những người cao niên trong xóm. Nắm bắt được tình hình trên, một mặt tôi đến từng nhà vận động người dân không nghe theo kẻ xấu. Sau một thời gian, những cá nhân có ý định đi theo đạo Dương Văn Mình không còn tư tưởng theo đạo đó nữa. 

 

Dẫn chúng tôi đến nhà Anh Lý Giàng Páo, người đã được anh Giàng giúp đỡ trồng cây sắn cao sản. Anh Giàng cho biết: "Chúng tôi biết ơn anh Giàng lắm! Nhiều năm trồng sắn giống địa phương năng suất thấp, nay được anh Giàng đến hướng dẫn trồng sắn cao sản, lại mang cả máy cày sang để đánh luống trồng sắn giúp, giờ ruộng sắn nhà tôi tốt ngập đầu người, hôm vừa rồi nhổ thử củ to như bắp tay, nhưng anh Giàng bảo cuối năm mới thu hoạch được. Cùng ngồi chơi tại nhà anh Páo, anh Lý Văn Sài góp chuyện: Cũng nhờ anh Giàng mà đứa con gái của tôi đã học lớp 9. Trước kia, nó không chịu đi học, anh Giàng đến nhà 7 lần động viên rồi phân tích có cái chữ thì làm việc gì cũng được, nó nghe theo và chăm chỉ học, giờ viết chữ đẹp lắm! Trên đường về, chị Lý Thị Hóa, thấy anh Giàng gọi lại trình bày: Ruộng sắn nhà tôi đang bị nhiều muội, nhờ anh chỉ giúp làm cách nào để hết muội. Anh Giàng lại dừng lại ân cần chỉ bảo: Chị lấy vài lá cây bị bệnh mang ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật để nhân viên cửa hàng nhận định bệnh, bán thuốc và hướng dẫn cách phun cho đúng…

 

Mong cuộc sống bà con no ấm

 

Sau một hồi tìm hiểu tại xóm Đồng Tâm, tôi được biết đồng bào  trong xóm chủ yếu di cư từ xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) về đây lập nghiệp từ năm 1990. Trước kia, xóm còn nhiều hủ tục lạc hậu như: gia đình có việc cưới hoặc việc tang thường tổ chức kéo dài vài ngày; đám cưới nhà gái thường thách to; bà con ốm không chịu đi bệnh viện mà mời thầy về cúng... Nhưng mấy năm gần đây, bà con xóm Đồng Tâm đã bỏ được những hủ tục lạc hậu đó. Nhưng qua tâm sự với anh Giàng, chúng tôi cảm nhận anh Giàng chưa thật sự hài lòng với sự chuyển biến của xóm. Anh nói: Nếu như so với trước kia, xóm tôi tiến bộ hơn rất nhiều, xóm đã đạt xóm văn hóa cấp huyện vài năm nay, nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân còn khó khăn lắm! Rồi anh dẫn chứng: Xóm vẫn còn 17 hộ nghèo, đây cũng là băn khoăn lớn đối người làm Trưởng xóm như tôi. Tôi nhận thấy việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vẫn chậm; toàn bộ khu cánh đồng của xóm chưa có công trình thủy lợi mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa; nhiều năm nay, bà con  trong xóm Đồng Tâm chủ yếu trồng cây sắn, diện tích sắn của xóm là 60 ha (chiếm 80% diện tích gieo trồng của xóm), nhưng chủ yếu vẫn trồng giống sắn địa hương, hiệu quả kinh tế đạt thấp… Đó là những nguyên nhân dẫn đến kinh tế của địa phương chưa thực sự phát triển.

 

Đầu năm 2010, anh Giàng đã mạnh dạn đến "gõ cửa" các phòng, ban chuyên môn của huyện Phú Lương để tìm giải pháp giúp cây sắn của xóm đạt năng suất cao. Qua phòng Nông nghiệp PTNT huyện, anh được giới thiệu về Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để tìm hiểu giống sắn cao sản. Năm 2013, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã cử 2 kỹ sư về tìm hiểu chất đất tại xóm Đồng Tâm. Anh Giàng tâm sự: Khi kỹ sư nông nghiệp kết luận đồng đất Đồng Tâm phù hợp với trồng giống sắn cao sản, niềm vui trong tôi như vỡ oà! Cả đêm tôi không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đi báo với bà con. Đầu năm 2014, Trường Đại học Nông Lâm thái Nguyên đã cử cán bộ về xóm chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ bà con trồng được 4 ha sắn cao sản, cây sắn đang phát triển tốt, đến cuối năm sắn sẽ cho thu hoạch hứa hẹn một vụ sắn bội thu.

 

Trong cuộc trò chuyện, anh Giàng bày tỏ: tôi mong muốn cấp trên quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại xóm Đồng Tâm. Vì hơn 10 năm qua, xóm chỉ kết nạp được 1 đảng viên. Hiện xóm vẫn chưa thành lập được chi bộ riêng nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tôi thấy những nghĩ suy, trăn trở và việc làm của anh Giàng thật đáng trân trọng, anh không chỉ nghĩ cho mình mà còn quan tâm lo lắng đến cộng đồng, mong muốn cuộc sống của bà con xóm Đồng Tâm được ấm no, hạnh phúc.