Nhiều chuyển biến tích cực khi thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi

15:45, 28/07/2014

Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020 được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020. Trong đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015 có 550 trang trại chăn nuôi; 100 nghìn con trâu bò; 690 nghìn con lợn; 9,5 triệu con gia cầm… Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện Đề án, đến nay, nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra.

Các chỉ tiêu hoàn thành sớm là tổng đàn trâu, bò đã đạt 105 nghìn con; đàn gia cầm đạt khoảng 9,6 nghìn con, tốc độ tăng trưởng của ngành Chăn nuôi đạt 9,2%. Đặc biệt, số trang trại chăn nuôi phát triển nhanh, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 600 trang trại chăn nuôi…

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngoài những chỉ tiêu về trước kế hoạch thì các chỉ tiêu khác cũng đang tiến dần về đích. Cụ thể, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đã đạt 90/123 nghìn tấn theo kế hoạch đề ra; giá trị ngành Chăn nuôi đạt 3.300 tỷ đồng/4.718 tỷ đồng… Đáng lưu ý là từ khi triển khai thực hiện Đề án, các huyện Đại Từ và Phú Lương đã có quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các địa phương còn lại cũng đã triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tổng quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi tập trung của tỉnh là trên 4.100ha.

 

Nằm trong nội dung của Đề án, có 5 dự án được tỉnh ưu tiên phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2013-2015 gồm: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm vùng chăn nuôi trọng điểm; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đầu tư nâng cấp cơ sở giống và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi; thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; xử lý môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các Dự án này đã và đang được triển khai khá đồng bộ, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm vùng chăn nuôi trọng điểm được xem là Dự án hiệu quả nhất. Ông Phạm Quang Phúc, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh (đơn vị thực hiện Dự án) cho biết: Thực hiện Dự án này, thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng 5 điểm cung ứng vắc - xin tại huyện Phú Bình, Phổ Yên; phun khử trùng tiêu độc bằng hóa chất sát trùng định kỳ tại các khu chăn nuôi trọng điểm, nhất là các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao; cấp vật tư phòng, chống cúm gia cầm cho thú y viên cơ sở tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh; đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi… Nhờ đó, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn trâu, bò, lợn và gia cầm.

 

Tiếp đến là Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cũng có nhiều chuyển động khi đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tại huyện Phú Bình, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên. Hay như với Dự án xử lý môi trường chăn nuôi, hơn 1 năm qua, thông qua việc lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình triển khai trên địa bàn, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng được trên 2.000 bể Biogas…

 

Có thể thấy, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Đề án, sản xuất chăn nuôi của tỉnh đã phát triển theo hướng tích cực. Chăn nuôi đã chuyển dịch sang hướng tập trung, sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; nhiều tiến bộ khoa học công nghệ về giống, thức ăn công nghiệp, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường trong chăn nuôi đã được người dân áp dụng. Chất lượng con giống và kỹ thuật chăn nuôi được cải thiện, một số giống gia súc, gia cầm cho năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế... Ông Nguyễn Quốc Minh cũng cho rằng: Có được kết quả này là do các cấp, ngành chức năng đã thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh, từ đó đã tạo được niềm tin cũng như thu hút được người dân tham gia tích cực vào việc thực hiện Đề án.

 

Để đạt được kết quả cao hơn, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch và Đề án Phát triển chăn nuôi đến năm 2020 ở các địa phương; xã hội hóa hình thức đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chương trình, dự án… hỗ trợ, tham gia hoạt động đào tạo nghề, kỹ thuật chăn nuôi, thú y; hỗ trợ phát triển giống, sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung, quản lý khép kín từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh; nhanh chóng xây dựng thương hiệu, ngành hàng và liên kết sản xuất; tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…

 

 

Đề án Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 3-4-2013. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành Chăn nuôi đạt 12%; giá trị sản xuất của ngành đạt gần 8.700 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (2013-2015), nguồn vốn dành cho thực hiện Đề án là trên 30,1 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn đã cấp để thực hiện các nội dung, chương trình của Đề án này là hơn 27,3 tỷ đồng.