Nuôi cá ruộng ở Định Hóa: Mô hình hay nhưng khó nhân rộng

11:11, 15/07/2014

Từ nhiều năm nay, ngay sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, nhiều hộ dân ở các xã: Bảo Cường, Đồng Thịnh, Kim Phượng, Phượng Tiến, Đồng Thịnh... lại bắt tay vào cày ruộng, đắp cao bờ, dẫn nước vào ruộng để thả cá. Chỉ nuôi trong khoảng thời gian 35-40 ngày, cá ruộng có thể đem bán, mang lại cho bà con nguồn thu nhập khoảng trên 1 triệu đồng/sào. Hiệu quả là thế nhưng bà con vẫn chưa mạnh dạn đầu tư duy trì và mở rộng quy mô...

Mô hình cho hộ dân ít vốn...

 

Vào những ngày cuối tháng 6, có mặt tại cánh đồng một số xã: Đồng Thịnh, Định Biên, Kim Phượng, Bảo Cường, Phượng Tiến..., chúng tôi nhận thấy không khí lao động diễn ra rất khẩn trương. Hình ảnh gây cho chúng tôi sự chú ý nhiều nhất là việc nhiều hộ dân đắp cao bờ ruộng, đào những chuôm nhỏ, xung quanh cắm lá cọ. Ông Hoàng Văn Sâm, Bí thư Chi bộ xóm Làng Bèn vừa với tay làm lại mái che ở chuôm cho cá khỏi bị nắng, vừa khoe với chúng tôi: Năm nào cũng vậy, cứ sau khi gặt xong lúa vụ xuân, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong xóm lại tập trung cày, bừa, đắp bờ, dẫn đủ nước về để nuôi cá trong khoảng thời gian chờ đến vụ cấy lúa bao thai. Năm nay, tôi và anh trai cùng kết hợp nuôi cá trong 1 mẫu ruộng cấy lúa. Dự kiến, sau khi thu hoạch, chúng tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng...

 

Ông Lý Ngọc Vàng, Trưởng xóm Bồ Kết, xã Đồng Thịnh cũng là hộ nuôi cá ruộng lâu năm cho biết: Mô hình nuôi cá ruộng đã xuất hiện ở Đồng Thịnh hàng chục năm nay. Hiện, mỗi năm, xóm tôi có gần hai chục hộ nuôi cá, thả ở gần 6 mẫu ruộng với các loại cá: chép, trắm, trôi, mè và rô phi. Cái hay của mô hình này là dễ nuôi, cá lớn nhanh, đầu tư thấp (chỉ mất tiền mua cá giống) trong khi hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mỗi sào ruộng có thể thả từ 3 đến 5kg cá giống (tương đương khoảng 750 đến 1.200 con cá giống) với giá 70-80 nghìn/kg. Cá được nuôi trong khoảng thời gian từ 35 đến 40 ngày là có thể bán. Một sào ruộng cho sản lượng từ 25-30kg cá, trừ hết chi phí, bà con có khoản thu nhập trên 1 triệu đồng/sào.

 

...Nhưng lại khó nhân rộng

 

Được biết, từ 2011 đến nay, huyện Định Hóa đã quan tâm và thực hiện một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình cấy lúa kết hợp chăn nuôi cá ruộng như: chỉ đạo các cơ quan chức năng tập huấn khoa học kỹ thuật nuôi cá ruộng cho nông dân, triển khai mô hình nuôi cá ruộng ở một số xã trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay, mô hình này vẫn chỉ tập trung ở một số xã đã có truyền thống nuôi cá ruộng hàng chục năm nay với quy mô nhỏ lẻ. Theo thống kê từ các xã, năm 2013, diện tích ruộng chủ động được nguồn nước trên địa bàn huyện Định Hóa gần 300ha. Trong khi đó, diện tích ruộng cấy lúa được thả cá mới chỉ đạt trên 40ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Phượng Tiến (20ha), Đồng Thịnh (10ha), Bảo Cường (3ha), Định Biên (3ha)...

 

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong việc nuôi cá ở ruộng, ông Phan Văn Thái, thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường và nhiều hộ dân khác chia sẻ: Từng nuôi cá ruộng hơn chục năm nay, tôi nhận thấy rằng đây là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cấy lúa. Bản thân tôi cũng đã được huyện, xã cho tham gia các lớp tập huấn về mô hình cấy lúa kết hợp nuôi cá ở ruộng. Thế nhưng, hiện gia đình tôi mới chỉ dừng lại việc nuôi cá trong khoảng thời gian chờ đến vụ cấy lúa bao thai (khoảng 30-40 ngày). Đến vụ cấy, chúng tôi phải bắt hết cá mang đi bán hoặc thả xuống ao, không duy trì được việc nuôi cá đến khi lúa sắp được thu hoạch như đã được tập huấn. Bởi nhiều hộ không nuôi cá (do ruộng lúa không thể chủ động được nguồn nước hoặc diện tích ruộng nhỏ) thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật. Thêm vào đó, vụ lúa mùa cũng là khoảng thời gian hay xảy ra mưa to gây vỡ bờ ruộng hoặc ngập lụt toàn bộ khu cánh đồng...

 

Có thể thấy nuôi cá ruộng là mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay, số hộ nuôi thả cá theo hình thức này vẫn còn hạn chế và ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Thiết nghĩ, để nhân rộng mô hình này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong việc định hướng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân...