Vì sao giá trị chăn nuôi tăng trong điều kiện thị trường khó khăn?

09:39, 17/07/2014

Theo kết quả tính toán tổng hợp từ điều tra chăn nuôi của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường tiêu thụ khó khăn nhưng ngành Chăn nuôi Thái Nguyên vẫn có tốc độc tăng trưởng trên 11% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển chăn nuôi năm 2014, tỉnh ta vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 71 nghìn con trâu, hơn 34 nghìn con bò, gần 500 nghìn con lợn và 7 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh là 68,7 nghìn tấn, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2013. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều bởi những tháng đầu năm, sản xuất chăn nuôi của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

 

Đúng như chia sẻ của ông Dũng, những tháng đầu năm, giá thịt lợn, thịt gia cầm hơi (cơ cấu giá trị của hai loại vật nuôi này chiếm gần 90% giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi của tỉnh) xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (vào khoảng tháng 2 dương lịch), giá gà ta đã xuống tới mức 80 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 40 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013; giá gà tại các trang trại chăn nuôi công nghiệp cũng chỉ ở mức 40-50 nghìn đồng/kg, giảm từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Đối với lợn, giá bán chỉ ở mức 37 đến 40 nghìn đồng/kg, giảm từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Chị Dương Thị Hạnh, một hộ dân chuyên nuôi lợn theo quy mô bán công nghiệp ở tổ 6, phường Lương Châu (T.X Sông Công) cho hay: Thời gian qua, giá lợn hơi xuất chuồng luôn ở mức thấp vì thế, sau khi bán lứa lợn hơn 20 con vào đầu tháng 3 vừa qua và bị lỗ khoảng 20 triệu đồng, tôi đã không đầu tư nuôi lợn nữa.

 

Theo nhận định của Ông Hoàng Gia Hinh, Cục Trưởng cục Thống kê tỉnh, những tháng đầu năm, do thịt lợn, gà bị mất giá, người chăn nuôi liên tục bị thua lỗ nên nhiều trang trại, gia trại đã giảm quy mô chăn nuôi hoặc để trống chuồng. Tuy vậy, giá trị của ngành Chăn nuôi vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này đi ngược lại với quy luật bởi thông thường, chỉ khi giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng, giá trị ngành Chăn nuôi mới tăng. Lý giải về điều này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: Những tháng đầu và giữa năm 2013, giá bán sản phẩm gà, lợn hơi tăng, chăn nuôi mang lại thu nhập cao nên nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn. Vì thế, tổng đàn lợn, gà của tỉnh cuối năm 2013 tăng cao, đàn lợn đạt khoảng 600 nghìn con, đàn gia cầm đạt khoảng 9 triệu con. Do số gia súc, gia cầm này tăng đột biến, không tiêu thụ hết trong năm 2013, phải chuyển gối sang những tháng đầu năm của năm 2014 đã làm cho giá trị của ngành Chăn nuôi tăng lên.

 

Ngoài nguyên nhân trên thì giá trị ngành Chăn nuôi tăng còn phải kể đến sự nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của các cấp, ngành liên quan trong tỉnh. Nếu như 3-4 năm trước, những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh ở lợn, cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn, khiến cho hàng triệu con gia cầm, hằng chục nghìn con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy thì từ tháng 7-2012 đến nay, dịch bệnh không xảy ra. Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển ổn định nên dù những tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán một số sản phẩm vật nuôi xuống thấp nhưng sản lượng đưa ra thị trường vẫn lớn hơn so với cùng kỳ mọi năm. Điều đáng nói là sau 3 tháng bị mất giá, từ đầu tháng 5, giá lợn, gà bắt đầu tăng (trung bình mỗi tháng tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg), nhiều hộ dân bắt đầu mạnh dạn tăng, tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất đã góp phần tăng giá trị ngành Chăn nuôi 6 tháng đầu năm.

 

Theo kế hoạch, năm 2014, tỉnh ta phấn đấu sản lượng thịt hơi đạt 95 nghìn tấn, giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013. Nhìn vào mục tiêu này có thể thấy, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của ngành Chăn nuôi đã vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, sản xuất chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn như giá bán sản phẩm vật nuôi không ổn định; dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tụ huyết trùng trâu, bò, lợn có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại... Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, mưa bão xảy ra có thể ảnh hưởng nhiều đến phát triển chăn nuôi... thì để hoàn thành giá trị ngành Chăn nuôi theo kế hoạch đề ra vẫn còn nhiều trở ngại.

 

Bởi vậy, để hoàn thành chỉ tiêu của năm 2014, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nắng nóng, mưa bão cho đàn vật nuôi, không để phát sinh dịch bệnh gây hại; đảm bảo an toàn, hỗ trợ người chăn nuôi phát triển đàn vật nuôi; đảm bảo đủ con giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng phục vụ sản xuất, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khẩn trưởng xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tạo vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở giết mổ tập trung; thành lập tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…