Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã có chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Quảng Ninh. Qua chuyến đi này, Đoàn đã được tiếp cận với một số cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các tiêu chí, từ đó có sự vận dụng vào tình hình thực tế ở tỉnh ta.
Từ việc thực hiện tiêu chí tăng thu nhập cho người dân...
Sau khi được nghe báo cáo nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã, Đoàn công tác của tỉnh đã xuống trực tiếp thăm mô hình trồng cây na dai ở xã Việt Dân (huyện Đông Triều). Các thành viên trong Đoàn được thỏa mắt ngắm nhìn màu xanh ngút ngát của một vùng trồng na tập trung rộng hơn 200ha, cây nào cũng sai trĩu quả. Anh Nguyễn Xuân Long, ở đội 10, thôn Tân Thành cho biết: Do phù hợp với điều kiện tự nhiên, cây na dai đã phát triển khá tốt, năng suất cao và cho quả ngon, đẹp mắt. Do đã có thương hiệu trên thị trường nên hầu như vụ mùa nào tư thương trong và ngoài tỉnh cũng đều đến đặt mua tại vườn từ khi cây còn chưa ra hoa. Với hơn 1ha na, mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được trên 20 tấn quả, đem lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Nhờ đó, chúng tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền...
Qua tìm hiều chúng tôi được biết, để phát huy những thế mạnh của địa phương, Đảng ủy xã đã có Nghị quyết chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất na tập trung với trên 200ha, 10ha cam đường và bưởi Diễn... Đồng chí Đỗ Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: Bên cạnh việc điều tra, khảo sát về chất lượng na, tác động của chất đất, chất nước, mở các lớp tập huấn quy trình trồng na dai theo hướng VietGap, huyện đã chỉ đạo triển khai Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Na dai Đông Triều". Theo đó, bên cạnh thiết kế, tạo lập mẫu mã, bao bì sản phẩm với đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, Dự án này còn đưa ra được quy trình canh tác để áp dụng chung cho tất cả các hộ trồng na ở Đông Triều nhằm bảo đảm chất lượng đồng đều. Hội sản xuất kinh doanh na dai Đông Triều cũng được thành lập để tự tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của người trồng, người kinh doanh sản phẩm này. Nhờ vậy, na dai ở xã Việt Dân nói riêng, huyện Đông Triều nói chung đã nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời, thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá bán sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Điền Công (T.P Uông Bí) cũng đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập và thay đổi phương thức sản xuất cũ. Đồng chí Vũ Văn Đổng, Chủ tịch UBND xã Điền Công cho biết: xã đã mời cơ quan chuyên môn của Trung ương về giúp khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước trên địa bàn để quyết định đưa giống cây trồng phù hợp. Qua đó, xã đã có Nghị quyết chuyển những vùng đất ruộng trũng sang nuôi cá vược, cá rô. Chủ trương này đúng với mong mỏi của người dân. Với việc trồng thí điểm 3ha dưa thành công, trong năm 2011 và 2012, xã quyết định thực hiện mô hình trồng dưa (dưa hấu đỏ, dưa gang, dưa lê) trên 10ha bằng hình thức hỗ trợ 100% giống... Sau 2 năm triển khai, các loại cây trồng đều cho năng suất, chất lượng tốt, cho thu nhập từ 140 đến 160 triệu đồng/ha. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm.
.. Nghĩ đến thực tế ở Thái Nguyên
Sau khi đi tham quan thực tế các mô hình sản xuất trên địa bàn 2 xã và tìm hiểu cách làm NTM ở tỉnh Quảng Ninh, các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh nhận có thể học hỏi và vận dụng một số cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các tiêu chí NTM, đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất. Đồng chí Ngô Quốc Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa chia sẻ: Qua chuyến tham quan học tập này, tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất với UBND có thể quy hoạch vùng trồng na tập trung tại các xã gần núi đá, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại những nơi này rất phù hợp với cây na. Hoặc có thể quy hoạch những diện tích đất nông nghiệp đang canh tác các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc...
Trong những năm qua, tỉnh ta cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, giá cả và đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bấp bênh, khiến người dân chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử như mô hình trồng na ở La Hiên (Võ Nhai). Từ mô hình trồng na, nhiều hộ dân ở xã La Hiên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng, giá bán của sản phẩm lại có sự biến động khá lớn: Đầu vụ từ 40-50 nghìn đồng/kg; chính vụ chỉ còn 10-20 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được bán giá cao chỉ chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 10% tổng sản lượng). Bởi vậy, hiệu cao kinh tế chưa cao. Nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, lại không có nhãn mác nên khách hàng khó nhận biết và chưa tạo được uy tín bền vững vì không cung cấp được cho khách hàng những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ...
Một ví dụ khác là mô hình chăn nuôi giống gà mía thả vườn ở Bình Long (Võ Nhai), Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Theo số lượng thống kê, năm 2013, các hộ dân ở xã Bình Long đã cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu con gà mía thả vườn. Các hộ dân ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cũng đã cung cấp ra thị trường khoảng 300 nghìn con gà mỗi năm. Nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi này. Tuy nhiên, do chưa có đầu ra ổn định, giá cả lại bấp bênh, có những thời điểm người dân ở 2 xã này đã không dám mạnh dạn tăng đàn do sợ bị bệnh dịch, bị thua lỗ do giá bán thấp. Anh Vũ Văn Thương, ở xóm Đèo Hanh, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) bộc bạch: Hiện nay, công tác phòng dịch bệnh được chúng tôi đặc biệt coi trọng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi. Bởi vậy, gà của Hợp Tiến cũng đẹp - ngon - an toàn không kém gà Yên Thế (Bắc Giang). Tuy nhiên, do chưa có được thương hiệu như gà đồi Yên Thế nên giá bán gà vào cùng thời điểm luôn bị thấp hơn so với gà đã có thương hiệu ở huyện bạn. Đây cũng là một thiệt thòi đối với chúng tôi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Cường Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh cho rằng: Qua chuyến tham quan, chúng ta có thể thấy Quảng Ninh đã mạnh dạn bố trí nguồn lực rất lớn đầu tư cho phát triển sản xuất; huy động được các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp vào xây dựng NTM, trong đó đặc biệt tập trung vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết giữa sản xuất của nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Mời gọi các nhà đầu tư của nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng các xã đặc biệt khó khăn. Cái cái sáng tạo nữa của Quảng Nình là đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện mỗi xã, phường một sản phẩm với nòng cốt là Ban xây dựng NTM. Đó là những kinh nghiệm mà tỉnh ta có thể vận dụng một cách sáng tạo dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương trong tỉnh.