Nhiều người biết đến xóm 4, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) không chỉ là xóm có nhiều hộ dân giàu kinh nghiệm về làm chè đặc sản ngon nhất “thị trấn vùng chè” mà còn “nổi tiếng” là xóm có phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao sôi nổi, thường đoạt giải cao trong các cuộc thi ở các cấp… Nhiều năm liền xóm 4 đạt danh hiệu xóm văn hóa, văn hóa tiêu biểu.
Nhìn những ngôi nhà xây mái ngói, nhà cao tầng nằm ẩn hiện sau những nương, đồi chè xanh ngút mắt, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống no ấm, thanh bình của hơn 100 hộ dân nơi đây. Xóm 4 có 5 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người dân tộc Kinh từ miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới, nhưng các dân tộc đã đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để biến những quả đồi trước kia toàn lau, guột, những khu vườn tạp kém hiệu quả thành những nương chè, khu rừng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như cùng trong xã, chè bán giá trung bình chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng/kg, thì khi đến xóm 4, khách hàng sẵn sàng mua với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg, bởi hương vị chè thơm, ngon đặc biệt.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Trưởng xóm 4: Để đạt được mức giá này, ngoài việc tích cực đưa các giống chè mới như Bát Tiên, TRI 777, LDP1, Phúc Thọ 10… vào trồng thay giống chè trung du mà bà con còn phải không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao tay nghề trong việc thu hái, sao sấy, lấy hương… cho chè. Chất lượng chè ngon hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ chất đất, khí hậu, giống, kỹ thuật…, và một trong những yếu tố quan trọng là kinh nghiệm của người làm chè. Điều này không ai có thể dạy được ai, mà nó được “chắt lọc” từ chính những thành công và thất bại trong suốt mấy chục năm qua.
Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với hơn 17ha chè kinh doanh, trên 35ha rừng trồng (trong đó 40% diện tích đã đến tuổi khai thác), và 3,7ha lúa, đã mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho hơn 100 hộ dân xóm 4, hiện xóm chỉ còn 9 hộ nghèo (đa số là độc thân, ít đất sản xuất).
Vừa cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, các hộ dân ở xóm 4 vừa tích cực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Xóm 4 là xóm dẫn đầu thị trấn trong việc gây dựng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Xóm đã thành lập được một đội văn nghệ, 2 đội bóng chuyền và các câu lạc bộ (CLB): “5 không, 3 sạch”; “Kế hoạch hóa gia đình”; “Vui khỏe”; CLB Thể dục - Thể thao… Thành viên các CLB không chỉ tham gia các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm của CLB mình, để nắm bắt các thông tin về lĩnh vực mình quan tâm mà còn có cơ hội tâm tình, chia sẻ những vui - buồn, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đơn cử như chị em phụ nữ ở xóm đã giúp đỡ gia đình chị Đào Thị Hảo, Hoàng Thị Dung… trong việc thu hái chè, khi các chị bị ốm phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện.
Biết chúng tôi không có thời gian lưu lại lâu ở xóm, nhưng ông Thái vẫn rất mong muốn chúng tôi được chứng kiến cảnh cuối giờ chiều, nhiều người dân đổ về sân nhà văn hóa xóm để chơi bóng chuyền, cầu lông… và cổ vũ cho các đội chơi. Ông bảo: Xóm có hai đội bóng chuyền, một đội tuyển trẻ, còn đội kia dành cho những người trung, cao tuổi. Chiều nào các đội cũng hăng say tập luyện vừa nâng cao sức khỏe, vừa rèn luyện kỹ thuật để tham gia thi đấu ở các cuộc thi của huyện, trị trấn và thường đoạt giải Nhất, Nhì. Còn Đội văn nghệ thường tổ chức biểu diễn phục vụ bà con trong xóm nhân các dịp lễ, Tết và tổ chức giao lưu với các xóm lân cận, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân xóm 4 ngày một nâng cao, nhiều năm liền xóm đạt danh hiệu văn hóa và văn hóa tiêu biểu. Người dân xóm 4 có quyền tự hào trước những thành quả mình đã và đang làm được: Xóm làm chè đặc sản ngon nhất thị trấn, có phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao mạnh nhất trị trấn… Hy vọng lần sau trở lại, chúng tôi lại được nghe thêm nhiều cái “nhất” về những tích cực, đổi mới ở xóm 4.