Những năm gần đây, vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (NĐXDCB) đã được đề cập tại nhiều diễn đàn trên phạm vi cả nước. Đối với Thái Nguyên, trước sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, vấn đề này đã có nhiều chuyển biến tích cực và tỉnh phấn đấu đến năm 2015, sẽ cơ bản sẽ giải quyết xong tình trạng nợ đọng này…
Trước việc phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước..., từ cuối năm 2011 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng NĐXDCB.
Thực hiện và cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng NĐXDCB trên địa bàn tỉnh. Trong đó bao gồm các giải pháp về nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các vấn đề về quản lý dự án, giám sát đánh giá đầu tư và chất lượng trong công tác tư vấn, lựa chọn nhà thầu..., đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, trong năm 2012, UBND tỉnh đã thực hiện việc rà soát và bố trí vốn tập trung cho các dự án, công trình hoàn thành trong năm kế hoạch, hạn chế tối đa việc khởi công mới, trừ các dự án cấp bách để tập trung vốn xử lý NĐXDCB. Còn trong năm 2013, tỉnh đã xây dựng nguyên tắc phân bổ vốn cho giai đoạn 2013-2015 trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Về cơ bản, việc bố trí vốn trong kế hoạch hàng năm đảm bảo hoàn thành dự án nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm. Ưu tiên bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên: trả nợ các dự án quyết toán, hoàn thành; đối ứng các dự án ODA; các dự án chuyển tiếp; số vốn còn lại (nếu có) bố trí khởi công mới. Với cách làm này, tỉnh đã dành 133,6 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương bố trí trả nợ cho 102 dự án quyết toán, hoàn thành năm 2013; 115,2 tỷ đồng cho 109 dự án trong năm 2014. Số dự án bố trí khởi công mới cũng giảm dần theo từng năm: 2011 là 53 dự án, năm 2012 còn 6 dự án với số vốn 17 tỷ đồng, năm 2013 là 4 dự án số vốn 6,7 tỷ đồng và năm 2014 là 4 dự án với số vốn 18 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong năm 2013, tỉnh cũng đã thông qua chủ trương tạm dừng thực hiện đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã phê duyệt nhưng chưa cân đối được vốn với tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng. Đồng thời tỉnh đã triển khai việc rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn, tham mưu cho Tỉnh ủy thông qua chủ trương cắt giảm, đình hoãn các dự án, hạng mục dự án chưa thực sự cần thiết. Kết quả rà soát trong tổng mức đầu tư 3.844 tỷ đồng đối với 65 dự án thuộc các nguồn vốn, số vốn đưa ra xem xét cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ đến sau năm 2015 là 1.424 tỷ đồng, bằng 37% tổng mức đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc xem xét cắt giảm, đình hoãn dự án, hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết, đảm bảo xử lý NĐXDCB và tập trung vốn cho các dự án cần thiết, cấp bách trên địa bàn tỉnh. Với những bước triển khai cụ thể và quyết liệt như trên, công tác xử lý NĐXDCB trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, số NĐXDCB trên địa bàn tỉnh sau khi đã bố trí kế hoạch năm 2014 còn khoảng 350 tỷ đồng (chưa kể số NĐXDCB thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã là 270 tỷ đồng). Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo chủ đầu tư tích cực phối hợp với nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán công trình để bố trí dứt điểm khoản nợ trên. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ cân đối các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi và các nguồn huy động khác để bố trí cho các dự án cấp bách có tầm quan trọng trong phát triển KT-XH để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Được biết, theo báo cáo của Chính phủ về tình hình NĐXDCB, trong số 15 địa phương có số nợ cao nhất cả nước (tính đến cuối tháng 6-2013) thì tỉnh có số nợ nhiều nhất là 4.150 tỷ đồng, tỉnh đứng thứ 15 cũng có số nợ lên tới 1.017 tỷ đồng. Như vậy, so với cả nước, số NĐXDCB của Thái Nguyên ở mức thấp và trong tầm kiểm soát của địa phương. Tuy nhiên, đồng chí Dương Ngọc Long cũng cho rằng, quá trình xử lý NĐXDCB thời gian qua của tỉnh gặp phải không ít vướng mắc. Trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho XDCB hàng năm chỉ dao động khoảng 300 tỷ đồng, thì tỉnh lại phải đáp ứng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - an sinh xã hội, như: Ưu tiên bố trí vốn cho xây dựng nông thôn mới khoảng 130 tỷ đồng/năm, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, phòng chống lụt bão, chống xuống cấp cơ sở hạ tầng.... Bởi thế, việc xử lý NĐXDCB chưa được dứt điểm, phải thực hiện theo lộ trình của Chính phủ đến năm 2015. Điều này khiến một số dự án chuyển tiếp có giá trị lớn bố trí vốn không đủ theo tiến độ, phần nào là nguyên nhân của việc kéo thời gian thực hiện của một số dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh thời gian qua, làm ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển KT-XH tại địa phương.
Trong thời gian tới, Luật Đầu tư công sẽ được ban hành, trong đó bước thay đổi căn bản là việc đầu tư xây dựng cơ bản sẽ triển khai theo kế hoạch trung hạn (5 năm). Trên cơ sở này, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, tránh được sự dàn trải và số NĐXDCB sẽ được cân đối hợp lý với mức đầu tư đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.