(TN) - Sản xuất có phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ. Là một quốc gia mà nền sản xuất nông nghiệp có một vị trí quan trong như Việt Nam thì vấn đề chủ động thị trường cho nông sản luôn được các cấp, ngành từ Trung ương đến các địa phương quan tâm, coi trọng.
Trong thời gian qua, việc một số thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống của Việt Nam có sự biến động, nông sản xuất khẩu đến một số nước giảm sút, nhưng nhờ có sự chủ động trong tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đầu tư nâng cao chất lượng nông sản qua sản xuất và chế biến, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay vẫn được duy trì và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện nay, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã từng bước được khắc phục, hàng hoá nông sản của Việt Nam do nâng cao chất lượng nên đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Riêng sản phẩm bưởi da xanh, thanh long của Việt Nam đã tiêu thụ tại thị trường của trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cũng nhờ đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ chế biến hiện đại và xúc tiến thương mại mạnh mẽ nên nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có thêm thị trường mới rất tiềm năng. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam khi áp dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản của Nhật Bản đã và đang mở ra một thị trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản trong năm nay và những năm tới đây. Cùng với đó, sản phẩm quả vải áp dụng công nghệ màng tế bào cũng đã được thị trường Nhật Bản tiếp nhận và có tương lai xuất khẩu ổn định vào thị trường này. Cùng với những thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì, hiện nay Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm thêm thị trường mới cho nông sản, trong đó có thị trường khu vực Trung đông, châu Phi. Đây là những khu vực có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Để chủ động hơn nữa về thị trường cho nông sản, chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về vốn, cơ chế đầu tư nâng cao chất lượng nông sản qua sản xuất, chế biến công nghệ cao; đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu nông sản … qua đó tạo cho nông sản Việt Nam có hệ thống thị trường phong phú, ổn định, không quá phụ thuộc vào một thị trường nào trong các hoạt động xuất khẩu nông sản.
Hiện nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có được vị thế cao trên thị trường quốc tế như: hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo sản phẩm thuỷ sản… Nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng xuất khẩu mạnh, số lượng lớn trong tương lai như: các loại rau, củ, quả, hoa tươi … Vì vậy việc chủ động tìm kiếm thị trường cùng với nâng cao chất lượng nông sản, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới. Khi đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ nhanh chóng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.