Sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay Thái Nguyên được Trung ương đánh giá đứng thứ 2 trong khu vực miền núi phía Bắc khi bình quân tiêu chí NTM của tỉnh đạt 10,6 tiêu chí/xã. Hiện, tỉnh đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình này, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 20 xã đạt chuẩn NTM.
Chúng tôi về La Bằng (Đại Từ), một trong những xã đang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào XDNTM của tỉnh vào một ngày Thu tháng Tám. Đi trên những con đường bê tông uốn lượn, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê nông thôn này. Anh Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình và tích cực hưởng ứng. Mỗi xóm đều ban hành nghị quyết xây dựng đường giao thông nông thôn, thành viên các ban vận động, giám sát, kiểm tra công trình là người địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân, nhờ vậy xã triển khai mọi việc đạt kết quả cao. Tính đến nay, hệ thống giao thông của xã đã cơ bản được cứng hóa (khoảng 20km).
La Bằng chỉ là một trong 20 xã của tỉnh đã hoàn thành tiêu chí giao thông. Ông Hoàng Cường Quốc, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM mới tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM mới, ngoài đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, tỉnh cũng đã quan tâm xây mới, sửa chữa nhà văn hóa xóm, xã; trạm y tế... Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 3.600 tỷ đồng cho các xã xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đó, các địa phương đã cải tạo, nâng cấp được hơn 3.300km đường giao thông; gần 180km kênh mương; 168 trạm điện; 29 nhà văn hóa và khu thể thao xã; 132 nhà văn hóa và khu thể thao xóm…
Thay đổi bộ mặt nông thôn không chỉ dừng lại ở hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao. Chính vì vậy, ngoài việc khuyến khích phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hộ gia đình đạt hiệu quả kinh tế thông qua việc tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt để người dân tham gia. Nổi bật như mô hình “Cánh đồng một giống” ở các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình; trồng hoa, rau công nghệ cao tại xã Huống Thượng (Đồng Hỷ); bảo vệ rừng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trồng gừng, sả, mây nếp dưới tán rừng tại xã Quy Kỳ (Định Hóa); nuôi trồng thủy sản…
Với lợi thế của tỉnh là có diện tích chè lớn, đứng thứ 2 cả nước (gần 20.000ha, sản lượng ước đạt khoảng 190 nghìn tấn/năm), ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các hội, đoàn thể đã chú trọng hướng dẫn nông dân cải tạo những diện tích chè trung du đã xuống cấp; trồng mới, trồng lại chè bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 1.500ha chè giống mới. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân áp dụng. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung khuyến khích người dân phát triển cây chè bền vững, trồng ngô lai, lúa lai, rau xanh, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung…
Đặc biệt, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung quảng bá xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm nông sản; chú trọng đào tạo nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm cho lao động nông thôn; tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ kinh phí, định hướng chuyển đổi ngành nghề cho hình thức kinh tế tập thể, một số hợp tác xã, tổ hợp tác duy trì phát triển ổn định và tăng trưởng… Nhờ đó đến nay, tỉnh đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình và người dân đã hiểu được họ chính là chủ thể trong XDNTM. Đặc biệt, Thái Nguyên đã có xã Hùng Sơn (Đại Từ) được công nhận đạt chuẩn NTM và 9 xã cơ bản hoàn thành 19/19 NTM là Đồng Liên, Lương Phú (Phú Bình); Tân Cương, Đồng Bẩm, Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Tân Hương (Phổ Yên); 78/143 xã đạt 10 tiêu chí trở lên; nhiều tiêu chí đạt 100%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, tình hình chính trị được giữ vững...
Dù đã đạt được những kết quả khá toàn diện nhưng Chương trình XDNTM của Thái Nguyên vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc hoàn thành các tiêu chí môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất… ở nhiều xã trong tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn. Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM tỉnh xác định phải thực hiện dần từng bước để đạt chuẩn. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện thêm một số hạng mục công trình giao thông và công trình văn hóa, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục góp tiền, ngày công lao động và hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình công cộng, cơ sở vật chất văn hóa… nhằm tiếp tục tạo thế và lực xây dựng nông thôn mới để Thái Nguyên xứng đáng là điểm sáng trong XDNTM của khu vực miền núi phía Bắc.