Đổi thay ở một xóm làm chè

14:07, 16/08/2014

Từ khi áp dụng việc chăm sóc và chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP, người dân làm chè ở xóm Đầm Ninh, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ đã có những đổi thay tích cực trong chăm sóc và chế biến chè. Từ đó, sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt, được ưa chuộng trên thị trường và bảo vệ sức khỏe người làm chè và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Duy Trinh, tổ trưởng tổ sản xuất chè sạch xóm Đầm Ninh đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh mướt của xóm. Trong câu chuyện dọc đường, ông Trinh cho biết: Trước kia, xóm Đầm Ninh chưa trồng chè. Sau này, được sự khuyến khích của huyện, đến năm 2001, người dân nơi đây mạnh dạn đưa cây chè cành vào trồng thử nghiệm. Đầm Ninh được thiên nhiên ưu ái cho thổ nhưỡng phù hợp, không bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp và đặc biệt là được ở gần đập nước Ba Đa trong lành, nên rất thuận lợi cho cây chè phát triển. Sản phẩm chè được người tiêu dùng ưa chuộng vì hương vị chè ở đây rất thơm, ngon, đậm đà. Thấy được lợi ích từ trồng chè, dần dần bà con trong xóm bắt đầu học tập nhau cùng làm chè.

 

Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng khoảng 10 sào chè, sau 13 năm, đến nay trong xóm có 30/43 hộ trồng chè với diện tích 10ha, chiếm 1/3 tổng diện tích đất tự nhiên của xóm. Hiện tại, 100% số hộ trồng chè trong xóm lắp vòi tưới tự động, mua tôn quay sao chè, 95% số hộ xây dựng được khu chế biến chè trị giá từ 35 đến 50 triệu đồng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, các hộ dân ngày càng chú trọng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất bằng cách trồng những giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, chế biến chè do Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, người trồng chè ở Đầm Ninh đã chủ động làm quen với quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để thay thế phương thức làm truyền thống kém hiệu quả. Hiện nay, gần 90% hộ làm chè trong xóm đều áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn, mỗi lứa cho thu hoạch khoảng 3 tấn chè búp khô/ha.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Quang Hải, người tiên phong sản xuất chè an toàn của xóm cho biết: Trước kia, chúng tôi phun thuốc trừ  sâu bằng thuốc hóa học theo định kỳ, có những loại thuốc cả chục ngày sau mới hết mùi, rất hại cho sức khỏe con người. Bón phân thì cũng như vậy, cứ thấy chè nhà mình chưa tốt bằng chè nhà hàng xóm là mua phân về bón ngay. Bây giờ, chúng tôi đã hiểu, để có được sản phẩm chè an toàn, ngay từ khâu chăm sóc cần phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, không được sử dụng phân bón hóa học mà phải dùng phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng cần tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định, chỉ phun thuốc sau khi đã thăm chè, phát hiện bệnh, chứ không dùng tràn lan. Nếu so với quy trình sản xuất chè trước đây thì việc thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn sẽ tiết kiệm được khoảng 30% các khoản chi phí mà lại an toàn cho người làm chè và người tiêu dùng. Ví dụ như việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây có thể sử dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ; nếu bón phân hóa học thì 6kg chè tươi mới sao được 1kg chè khô, bón phân hữu cơ thì chỉ cần 5kg chè tươi đã được 1kg chè khô với chất lượng, hương vị chè ngon hơn hẳn. Có thể nói, giờ đây, chúng tôi làm chè đã khác hẳn và an toàn hơn hẳn.

 

Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân trong xóm cho biết: Trước kia, việc chế biến, bảo quản sản phẩm chè của người dân chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính nên chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu để lâu, chất lượng chè bị giảm đi rất nhiều. Khi được tham gia các lớp học, tập huấn về chăm sóc và chế biến chè an toàn, chúng tôi đã nắm rõ các công đoạn, kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, từ đó cho những sản phẩm chè chất lượng tốt.

 

Ông Nguyễn Duy Trinh cho biết thêm, xóm còn thành lập tổ sản xuất chè an toàn với 26 hộ gia đình, để các hộ chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm chè và cùng nhau làm giàu. Hiện tại, trung bình mỗi cân chè thành phẩm của người dân trong xóm có giá bán khoảng 180 nghìn đồng, cao hơn chè sản xuất theo lối cũ khoảng 60 nghìn đồng/kg. Nhưng giá trị cao hơn đó chưa quan trọng bằng việc chúng tôi đã sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt mà vẫn giữ gìn được môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tính trung bình mỗi năm xóm Đầm Ninh sản xuất được 240 tấn chè khô, doanh thu từ chè của xóm đạt gần 43 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trồng khác. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để người dân trong xóm phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.