Hiện nay, biên chế hệ thống khuyến nông của tỉnh có 293 người, trong đó khuyến nông cấp huyện có 127 người, cấp xã có 143 người, được phân công theo các chuyên ngành như chăn nuôi thú y, khuyến nông phát triển nông nghiệp, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở luôn sát cánh cùng nông dân, góp phần tạo nên những vụ mùa bội thu.
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng lúa của xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) bắt đầu xuất hiện các loại sâu bệnh hại như rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn... Bởi vậy, ngày nào cũng vậy, anh Trần Tự Cường, cán bộ khuyến nông của xã cũng có mặt ở các cánh đồng để nắm bắt tình hình và khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Anh chia sẻ: Người nông dân quanh năm lam lũ, vất vả để mong có vụ mùa bội thu. Vì thế, nếu không hướng dẫn bà con chăm bón cây trồng đúng kỹ thuật; phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, nông dân sẽ thất thu và như thế tôi thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm được giao.
Không chỉ riêng anh Cường mà cán bộ khuyến nông các xã đều trách nhiệm với công việc được giao. Họ không quản mưa nắng đến tận hộ dân tuyên truyền, vận động để bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia các mô hình sản xuất cây, con giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình “Cánh đồng một giống”, nếu không có lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở vào cuộc, chắc chắn, mô hình sẽ không thành công và được nhân rộng trên địa bàn như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng (Phú Lương), địa phương triển khai mô hình “Cánh đồng một giống” đầu tiên của tỉnh (vụ xuân năm 2013) cho hay: Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn bà con cách làm đất, gieo mạ, phòng trừ các loại sâu bệnh hại… cho lúa đúng kỹ thuật nên kết quả đạt được rất mỹ mãn. Năng suất của 14 ha lúa tham gia mô hình đạt khá cao, khoảng 55-60 tạ/ha, trong khi chi phí đầu tư mua vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lại giảm đến 5 triệu đồng/ha so với phương pháp cấy lúa đại trà…
Hay như trong vụ xuân vừa qua, thời điểm bệnh khô văn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu… phát triển khá mạnh trên cây lúa với diện tích nhiễm sâu bệnh lên đến trên 10.000ha, lực lượng khuyến nông cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho hay: Nếu không có đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ theo chỉ đạo của Chi cục Bảo vệ thực vật kịp thời thì chắc chắn, các loại sâu bệnh hại sẽ phát triển mạnh và làm giảm năng suất lúa của bà con.
Với nhiều hoạt động thiết thức, đội ngũ khuyến nông cơ sở đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất của người nông dân. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Đặc biệt, nhờ đội ngũ này, tình hình sản xuất tại các địa phương được phản ánh nhanh nhạy nên các cơ quan chức năng đã chỉ đạo kịp thời hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về nông nghiệp.
Lực lượng khuyến nông cơ sở là hạt nhân nòng cốt trong tổ chức các hoạt động khuyến nông trên địa bàn xã. Họ tiếp xúc trực tiếp với nông dân để nắm rõ nhu cầu về tổ chức sản xuất cây, con giống; trang trại, gia trại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các ngành nghề khác tại cơ sở; hỗ trợ lựa chọn đối tượng phù hợp tham gia khuyến nông; hỗ trợ và triển khai các lớp đào tạo, tập huấn, mô hình trình diễn, cung cấp, tư vấn kỹ thuật cho người dân, giám sát và hỗ trợ tại hộ. Không những thế, đội ngũ này còn tham gia triển khai nhiều hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Tuy nhiên qua thực tế ở cơ sở cho thấy, đội ngũ cán bộ khuyến nông, đặc biệt là cán bộ khuyến nông cấp xã cơ bản còn rất trẻ, hầu hết đều mới tốt nghiệp ra trường, lại chưa được đào tạo về phương pháp khuyến nông nên thiếu kỹ năng tiếp cận với nông dân. Hơn nữa, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương rất đa dạng, phong phú, trong khi cán bộ khuyến nông lại chỉ có năng lực chuyên môn đơn ngành, rất ít người có kinh nghiệm tổng hợp nên đôi khi quá trình giải quyết, xử lý công việc chưa được linh hoạt.
Bác Hồ đã từng nói “Cán bộ là công bộc của dân”. Bởi vậy, mỗi người cán bộ cần làm tốt công việc được giao để phục vụ nhân dân. Với đội ngũ cán bộ khuyến nông thì càng phải sống gần gũi, gắn bó mật thiết và hết lòng phục vụ nhân dân. Do đó, để hoạt động của khuyến nông cơ sở thật sự hiệu quả, những người làm công tác này cần phải tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao ở cở sở. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp mà cụ thể là Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các khóa đào tạo, bôi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp khuyến nông cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở…