Ngày mới ở vùng quê cách mạng

09:12, 20/08/2014

Mùa thu lịch sử năm 1945 đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày Tháng Tám hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của người dân xã Kha Sơn - nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Phú Bình. Trải qua gần 70 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ và nhân dân xã Kha Sơn luôn nêu cao ngọn cờ yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xã Kha Sơn nằm ở phía Nam của huyện Phú Bình với 2.400 hộ dân và trên 9.000 nhân khẩu, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Kha Sơn được coi là khu ATK II với cụm di tích lịch sử gồm: Đình Kha Sơn Thượng, chùa Mai Sơn, Đình Kha Sơn Hạ, Rừng Mấn, nền nhà ông Cao Nhật. Những năm 1940-1942, đình, chùa kể trên được cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên dùng làm nơi tổ chức, bồi dưỡng huấn luyện, truyền đạt Nghị quyết Trung ương và in ấn tài liệu. Cũng chính những địa điểm này, nhân dân xã Kha Sơn đã làm tốt công tác nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Tại đây, một số người con tiêu biểu xã Kha Sơn đã sớm giác ngộ cách mạng, thành lập nên chi bộ đầu tiên của huyện Phú Bình dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh (cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ). Ngày 14-3-1945, Chi bộ Kha Sơn Hạ phát động quần chúng nhân dân trong xã đứng lên giành chính quyền thắng lợi, ngọn cờ khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Phú Bình cũng bắt đầu từ mảnh đất này. Những sự kiện lịch sử gắn liền với các địa điểm như nền nhà, rừng, đình, chùa, xã Kha Sơn đã được công nhận là Cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997.

 

Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ủy, UBND xã Kha Sơn đã năng động khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; hỗ trợ bà con nhân dân vay vốn ngân hàng…

 

Trong 3 năm trở lại đây, các giống lúa, ngô lai cho năng suất, chất lượng cao được người dân tích cực đưa vào gieo trồng, nhờ đó giá trị thu nhập bình quân trên một héc ta đất canh tác đạt 107 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2013, sản lượng lương thực của toàn xã đạt trên 4.897 tấn, trong đó phần lớn là phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi của bà con. Cùng với đó, người dân Kha Sơn cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có khoảng 10 trang trại và gia trại với tổng số đàn lợn gần 10.000 con; đàn trâu, bò duy trì ổn định ở mức 1.200 con; đàn gia cầm hơn 11.000 con… Bình quân mỗi năm, giá trị thu được từ chăn nuôi của xã đạt khoảng 8 tỷ đồng.

 

Trong phát triển kinh tế đã xuất hiện một số mô hình điển hình cho thu nhập cao như làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, mô hình nuôi cá giống (xóm Bình Định) hay chăn nuôi lợn kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi (xóm Hòa Bình)... Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ nhiệm làng nghề mộc mỹ nghệ xóm Phú Lâm cho biết: Đến nay, xóm có khoảng 20 xưởng mộc quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ trong xóm đã xây được nhà cao tầng, mua được xe máy, ô tô và các tiện nghi đắt tiền khác...

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết: Nhờ biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người, bình quân lương thực đạt 500kg/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,2% (giảm 8% so với năm 2011). Hiện nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, hầu hết các hộ dân đã có phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn và được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường đạt; trung bình mỗi năm xã có từ 5-7 em học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng...

 

Sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh, cần cù, chịu khó trong sản xuất là những nhân tố góp phần làm nên những trang vàng lịch sử cho vùng quê Kha Sơn. Kế thừa truyền thống cách mạng, người dân trong xã đang tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.