Theo nhận định của ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh thì 6 tháng đầu năm, hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm mạnh, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường.
Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung chủ yếu vào các loại có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia; các nhóm mặt hàng bị cấm nhập khẩu, bị áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ như pháo nổ, thuốc lá, gia súc, gia cầm và nội tạng gia súc, gia cầm; hàng điện tử, điện lạnh, linh kiện điện tử. Đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng có chất lượng thấp, giá rẻ như điện thoại di động, máy tính bảng, quần áo may sẵn, mỹ phẩm và một số loại thực phẩm phục vụ các dịp lễ, Tết…
Nhằm đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế và kiểm soát tình trạng buôn lậu, hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành chức năng; Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình; xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu thập thông tin nhằm đánh giá tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá trên địa bàn tỉnh để từ đó xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả.
Cùng với đó là quan tâm và triển khai phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác này đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua tổ chức các hội nghị chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp. Đồng thời, cảnh báo những mặt hàng dễ bị làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... để mọi người nâng cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, đấu tranh. Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trái pháp luật đảm bảo ổn định thị trường tại địa phương...
Trong đó, tập trung điều tra, phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu lớn; các mặt hàng Nhà nước cấm xuất, nhập khẩu; những mặt hàng nhạy cảm, nhất là các mặt hàng có chứa hoá chất độc hại - tác nhân gây bệnh cho người tiêu dùng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân gồm lương thực, thực phẩm, đường, sữa, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh… Từ đó đã tạo sự được đồng thuận trong xã hội, cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; không tiêu thụ và tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng…
Theo Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, 6 tháng đầu năm, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 2.644 vụ, trong đó đã phát hiện và xử lý 879 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, truy thu thuế và giá trị hàng tiêu huỷ là gần 7,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều vụ việc khác cũng được các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Đơn cử, vào ngày 12-1, trên tuyến Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, đoạn thuộc địa phận xã Yên Ninh (Phú Lương), tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh) đã bắt quả tang 2 đối tượng là Nông Đình Chiến và Hứa Văn Báo đều trú tại huyện Hạ Lang (Cao Bằng) đang có hành vi vận chuyển tiền giả; thu giữ 503 tờ tiền giả có mệnh giá 200.000 đồng với tổng trị giá 100,6 triệu đồng.
Theo nhận định của lực lượng QLTT tỉnh, những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại dự báo có chiều hướng gia tăng, nhất là vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Do đó, để làm tốt công tác này, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác nắm bắt thông tin, làm tốt dự báo tình hình thị trường và công tác quản lý địa bàn, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp quản lý giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết của của Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng gây mất ổn định thị trường; thực hiện đổi mới về hình thức, tăng thời lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật theo các chuyên đề và công tác này cần phải được tiến hành thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, về giá, chất lượng và nguồn gốc hàng hoá đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm; các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh cho người, điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm và các mặt hàng phục vụ nông nghiệp gồm thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; các mặt hàng cấm là vũ khí, ma tuý, tiền Việt Nam đồng giả, động vật quý hiếm, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực; tập trung ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc nổ; đặc biệt là có phương án chống các loại tội phạm công nghệ cao mới xuất hiện trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước như sử dụng thẻ tín dụng giả để rút tiền từ các ngân hàng, nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng Internet...