Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã và đang được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh. Tuy nhiên, do còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nên trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng sản phẩm nông sản làm ra kém chất lượng, thiếu an toàn.
Thời gian qua, các hoạt động giám sát, thanh, kiểm tra chuyên ngành, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhất là việc tổ chức thanh tra đối với một số loại vật tư nông nghiệp trọng yếu (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi); kiểm tra, phân loại, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Theo đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, các cấp, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 61 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 15 cơ sở loại C (còn nhiều lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng) và có biện pháp xử lý kịp thời; lấy mẫu 10 sản phẩm nông sản gồm rau, củ, quả, thịt lợn, chè búp khô để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân tích nhóm chất cấm Beta - agonist và dư lượng thuốc kháng sinh, qua đó đã phát hiện 1 mẫu thịt lợn cho kết quả dương tính với nhóm chất cấm; kiểm tra, hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 47 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản đủ điều kiện ATTP…
Ông Ngô Văn Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết: Mặc dù đã có nhiều cố gắng song trên thực tế, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn do lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra còn ít, địa bàn rộng, đi lại gặp nhiều trở ngại, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đến nay, tỉnh chưa có hướng dẫn bố trí công chức phụ trách quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở cấp huyện, xã; kinh phí hằng năm dành cho công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; nhận thức về phân cấp nhiệm vụ công tác quản lý chất lượng ATTP nông sản của một số địa phương còn hạn chế…
Việc quản lý khó khăn dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng như phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng, giống cây trồng không đạt yêu cầu… vẫn được lưu thông trên địa bàn làm giảm sút chất lượng sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho người nông dân. Chị Nguyễn Thị Kiều, một hộ trồng rau chuyên canh ở xóm Làng Đông, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi rất lo khi sản xuất ra các loại rau, củ, quả kém chất lượng vì thời vụ trồng các loại rau xanh rất ngắn, nếu hỏng một lứa rau có thể thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cuối năm ngoái, tôi mua phải hạt giống rau cải xanh kém chất lượng nên khi gieo, rau không lên tốt như mọi lần mà phát triển còi cọc dù đã được bón phân, tưới nước thường xuyên và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Vụ rau đó, tôi đã thất thu hơn 10 triệu đồng.
Khi người nông dân lo lắng vì chất lượng sản phẩm nông sản bị giảm sút do mua phải các mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng thì người tiêu dùng lại rất băn khoăn về độ an toàn của các loại sản phẩm nông sản, nhất là các loại rau, củ, quả, thịt, chè luôn được mọi người sử dụng làm thức ăn, nước uống hằng ngày. Chị Nguyễn Thu Cúc, một người dân ở tổ 9, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tuần trước, tôi đã bị ngộ độc vì ăn phải rau muống còn tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Nếu việc quản lý chất lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn còn nhiều khó khăn như hiện nay thì sẽ còn rất nhiều người dân bị ngô độc thực phẩm như tôi. Đáng báo động hơn, khi sử dụng sản phẩm nông sản thiếu an toàn, nhiều người không bị ngộ độc cấp tính nhưng chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể họ, dẫn đến bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, nhất là các loại bệnh ung thư...
Trong khi lực lượng làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản còn mỏng như hiện nay thì việc tuyên truyền, giáo dục đào tạo, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành chức năng và người dân về công tác này là giải pháp hưu hiệu nhất. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản cho người dân và cán bộ phụ trách công tác này ở cấp xã, phường. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất an toàn hiện hành theo quy định của Trung ương và địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra và cương quyết xử lý với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này…
Ngoài những giải pháp trên thì để bảo đảm ATTP nông sản, hiện nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản đang phối hợp với các huyện, thành, thị; các xã, phường, thị trấn có các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, rau, củ, quả, nấm, nem, giò, chả đóng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện thủ tục như Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, làm hồ sơ công số hợp quy đối với sản phẩm của cơ sở, khám sức khỏe định kỳ hằng năm và xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP của chủ cơ sở vào người lao động; lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc của sản phẩm…