Nuôi gà thả ruộng có ưu điểm giảm thiểu tối đa dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, vốn đầu tư ít, lại khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất... Những năm qua, mô hình nuôi gà thả ruộng ở xã Bình Long (Võ Nhai) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở xã vùng cao này.
Gia đình ông Đàm Quang Long là một trong những hộ đầu tiên đưa giống gà Mía xuống ruộng để chăn nuôi ở xóm Bình An, xã Bình Long. Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông vừa xuất bán lứa gà hơn 1.000 con. Ông Long phấn khởi khoe: Gia đình tôi đang bán gà thịt với giá 78 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 60 triệu đồng. Ông Long cho biết thêm: Nhà tôi có 5 sào ruộng nhưng chỉ cấy lúa được 1 vụ/năm vì thiếu nước, nên sau mỗi vụ thu hoạch, tôi dùng lưới quây quanh bờ ruộng để nuôi gà. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ nuôi gà thả ruộng.
Gia đình anh Nguyễn Huy Hiệp ở xóm Đại Long cũng bắt đầu nuôi gà thả ruộng từ hơn chục năm nay. Anh Hiệp cho biết: Năm 2004, tôi thấy người dân trong xóm nuôi gà thả ruộng cho hiệu quả kinh tế cao nên cũng nuôi thử 200 con. Sau lứa gà đó, tôi tăng dần quy mô chăn nuôi lên 500, 1.000 rồi 2.000 con gà/lứa. Nuôi gà thả ruộng có nhiều ưu điểm như: rất ít xảy ra dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được đất hoang hóa và sức lao động nhàn rỗi, việc đầu tư chuồng trại không tốn kém. Đặc biệt, chăn nuôi theo hình thức này gà lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường rất ưa chuộng…
Được biết, hình thức chăn nuôi gà thả ruộng ở xã Bình Long xuất hiện từ hơn chục năm nay. Xóm Bình An chính là “cái nôi” của mô hình này và cũng là xóm nuôi nhiều gà nhất của xã. Ban đầu, người dân chỉ chăn thả từ 100-200 con gà xuống ruộng sau khi thu hoạch để tận dụng quỹ đất. Về sau thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt nên người dân ngày càng mở rộng quy mô chăn thả. Hiện nay, toàn bộ 38/38 hộ gia đình ở xóm Bình An đều chăn nuôi gà theo hình thức thả ruộng với quy mô từ 500 đến 5.000 con/lứa. Không chỉ ở xóm Bình An mà mô hình nuôi gà thả ruộng còn được nhân rộng ra 6/20 xóm của xã gồm: Đại Long, An Long, Trại Rẽo, Ót Giải, Long Thành, Đèo Nga với gần 200 hộ chăn nuôi (chiếm 14% tổng số hộ gia đình trên đại bàn xã). Thời kỳ cao điểm, toàn xã Bình Long có trên 200 nghìn con gà thả ruộng. Trung bình mỗi năm, các hộ chăn nuôi gà thả ruộng trên địa bàn xã xuất ra thị trường trên 300 tấn gà thương phẩm.
Từ mô hình nuôi gà thả ruộng, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ có thu nhập cao với hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã mua sắm được tivi, tủ lạnh, máy giặt… và những đồ dùng tiện nghi đắt tiền khác. Cuộc sống của người dân nhờ vậy mà khấm khá lên nhiều. Nếu như năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 76% thì đến nay đã giảm xuống còn 36%. Đặc biệt từ 2010 trở lại đây, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của xã đều giảm trên 10%. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 6 triệu đồng/năm (2009) lên 13 triệu đồng/năm (2013)…
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Vài năm trở lại đây, mô hình chăn nuôi gà thả ruộng đã dần khẳng định được ưu điểm và hiệu quả kinh tế vượt trội so với hình thức chăn thả tự nhiên. Mô hình này đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Để mô hình nuôi gà thả ruộng tiếp tục phát huy hiệu quả, xã sẽ thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trạm Thú y của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và cách tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gà… Mới đây, UBND xã Bình Long đã tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi gà tập trung để hướng tới mục tiêu phát triển quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa. Thời gian tới, xã sẽ giao cho Hội Nông dân đứng ra thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi và cung ứng thức ăn chăn nuôi; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm xây dựng thương hiệu gà thả ruộng Bình Long để sản phẩm gà Bình Long có chỗ đứng ổn định trên thị trường, giúp người dân yên tâm phát triển chăn nuôi.