Phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay

10:04, 04/08/2014

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lương nhiều năm nay luôn được biết đến là đơn vị có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trên địa bàn tỉnh (chỉ chiếm gần 0,01%). Có được điều này, công tác bình xét cho vay và quản lý nguồn vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) luôn được Phòng Giao dịch quan tâm, chú trọng.

Hiện, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương có 350 tổ TK-VV/274 xóm, bản, do 4 tổ chức chính trị - xã hội của huyện nhận ủy thác, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ (119 tổ), Hội Nông dân (134 tổ), Hội Cựu chiến binh (48 tổ) và Đoàn Thanh niên (49 tổ). Trong những năm qua, để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, Phòng Giao dịch luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức này trong việc tập huấn nghiệp vụ, giải ngân, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm và đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả những khoản nợ tồn đọng. Cùng với đó, cán bộ Phòng Giao dịch được phân công phụ trách địa bàn cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời công tác lưu trữ hồ sơ và hướng dẫn cách ghi chép sổ sách cho các thành viên tổ TK-VV; những vướng mắc từ cơ sở luôn được cán bộ, lãnh đạo Phòng phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ bàn bạc, thống nhất cách giải quyết. Đối với những tổ có biểu hiện hoạt động thiếu hiệu quả, NHCSXH huyện đều có giải pháp củng cố phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn (cụ thể năm 2013 đã củng cố, kiện toàn ban quản lý của 17 tổ). Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các tổ đều đảm bảo theo quy định. Kết quả phân loại năm 2013, cả huyện chỉ có 1,1% số tổ xếp loại trung bình, 26,2% xếp loại khá, còn lại 72,7% xếp loại tốt.

 

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ nhiều năm qua, tại các điểm giao dịch, NHCSXH huyện đều công khai danh sách khách hàng được vay vốn để mọi người dân cùng biết, kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, Phòng Giao dịch cũng đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra tại 100% các xã, thị trấn, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn vay. Cũng trong công tác này, qua các lần kiểm tra của các cấp, ngành của tỉnh, công tác cho vay của Phòng Giao dịch Phú Lương luôn được đánh giá là cho vay đúng đối tượng, tiền vay được phát trực tiếp cho hộ vay và hộ vay sử dụng vốn phát huy hiệu quả…

 

Anh Sầm Văn Giàng, Trưởng xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt đánh giá rất cao hiệu quả mà đồng vốn vay của NHCSXH đem lại cho bà con. Anh Giàng bảo, xóm có 53 hộ dân (chủ yếu là dân tộc Mông), thì có tới 37 hộ là thành viên tổ TK-VV. Mỗi khi có đồng vốn về, bà con trong tổ lại họp xét, bình chọn công khai đối tượng vay và mức vay. Sau khi được giải ngân, ban quản lý tổ lại có trách nhiệm giám sát việc sử dụng đồng vốn của tổ viên để nhắc nhở họ sử dụng đúng mục đích, đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn. Hiện, tổng dư nợ của người dân trong xóm với NHCSXH là hơn 800 triệu đồng. Số tiền vay chủ yếu được bà con dùng để mua trâu, bò vì đồng đất ở đây hợp với 2 loại vật nuôi này. Hơn nữa, diện tích trồng ngô, sắn của xóm lại lớn (gần 40ha), nên thức ăn cho trâu, bò khá dồi dào. Nhiều hộ nhờ nuôi trâu đã thoát nghèo và làm được nhà mới. Đưa mấy ngón tay lên đếm, anh Giàng bảo ở xóm có khoảng hơn chục hộ như thế, điển hình trong số đó là hộ các anh: Dương Văn Sự, Lý Văn Sài, Sầm Văn Sự… Hiện cả xóm có 35 con trâu, 10 con bò. Trâu nuôi được khoảng trên dưới 2 năm sẽ cho gia chủ số lãi khoảng 20 triệu đồng, nhà nào biết cách chọn giống trâu, bò tốt, có khi chỉ cần 1 năm cũng đã lãi được số tiền đó. Bà con ở đây rất coi trọng đồng vốn vay của NHCSXH và cũng rất hy vọng, với chính sách ưu đãi mới đây của Chính phủ về nâng mức cho vay tối đa đối với  hộ nghèo và cận nghèo từ 30 lên 50 triệu đồng/hộ, sẽ ngày càng có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

 

Đối với anh Ngô Văn Bình, xóm Làng, xã Yên Đổ, số tiền vay của NHCSXH đã được sử dụng để đầu tư trồng 2ha rừng. Anh cho biết: Tôi bắt đầu vay vốn hộ nghèo từ năm 2005. Đến năm 2013, gia đình tôi đã thoát nghèo nhưng dư nợ với Ngân hàng thì vẫn còn 29 triệu đồng, đến năm 2014 thì phải trả. Nhà có 5 miệng ăn nhưng chỉ có tôi là lao động chính, do bố mẹ đều đã già, lại bệnh tật, vợ tôi thì bị tai nạn giao thông năm 2007 nên không làm được việc nặng nhọc, 2 đứa con thì đang tuổi ăn học. Số tiền có được từ nghề mộc cộng với 7 sào ruộng, chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hết sức đạm bạc của cả gia đình. May mà có đồng vốn của NHCSXH với lãi suất ưu đãi nên tôi có điều kiện để trồng 2ha rừng. Sau khoảng 5 năm, tôi lại có một khoản thu vài chục triệu để lo những công việc lớn của gia đình.

 

Tính đến hết tháng 7 năm 2014, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương đạt hơn 252 tỷ đồng, với gần 14 nghìn khách hàng còn dư nợ ở các chương trình, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo hơn 98 tỷ đồng; hộ cận nghèo là 18,3 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gần 38 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 47 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường gần 19 tỷ đồng…

 

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng vào việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện (tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 12,18%, giảm gần 2% so với năm 2012) và tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp nhất tỉnh (hiện chỉ có 23,4 triệu đồng nợ xấu). Cùng với đó, các hộ dân cũng có điều kiện gửi tiết kiệm hàng tháng tại tổ, với số dư luôn đứng đầu toàn tỉnh, với gần 10 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hơn 90% hội viên ở cả 350 tổ TK-VV. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng còn có những trăn trở khi mà so với nhu cầu thực tế, nguồn vốn hiện nay của Ngân hàng còn quá khiêm tốn, nhất là ở 3 chương trình cho vay: Hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường… Trước thực tế này, bên cạnh nguồn vốn phân bổ của Trung ương, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng.