Những năm gần đây, phát huy tiềm năng sẵn có và được sự khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành nên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn huyện Phú Lương có sự phát triển khá. Số lượng và chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TTCN đã không ngừng tăng lên.
Trong số hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động tại huyện Phú Lương (gồm cả hộ sản xuất cá thể và doanh nghiệp), chúng tôi lựa chọn tìm hiểu thực tế hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân Hùng Giang (địa chỉ tại xóm Đá Mài, xã Yên Đổ) vì đây là cơ sở sản xuất ván bóc thuộc nhóm sớm nhất huyện, hoạt động hiệu quả và đang tiếp tục mở rộng quy mô. Làm dịch vụ nghề gỗ nhiều năm, trong quá trình tiếp xúc với các đối tác và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, ông Lương Văn Cầu, Giám đốc Doanh nghiệp (DN) đã sớm nhận ra triển vọng phát triển khi đầu tư sản xuất ván bóc. Năm 2006, gia đình ông hùn vốn mở xưởng bóc ván từ gỗ rừng trồng, với 1 máy bóc và 6 lao động. Quá trình hoạt động thuận lợi, số lãi thu về ngày một lớn, vì vậy đến năm 2009 gia đình ông đã sắm thêm 2 máy bóc hiện đại hơn và một số máy móc cần thiết khác, đồng thời đăng ký thành lập DN. Từ cơ sở đầu tiên của gia đình ông Cầu, đến nay cả xã Yên Đổ đã có hơn 10 hộ dân mở xưởng bóc ván (chủ yếu từ năm 2013), tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho hàng trăm lao động phổ thộng của địa phương.
Hiện tại, xưởng sản xuất ván bóc của DN tư nhân Hùng Giang thường xuyên sử dụng khoảng 40 lao động, thu nhập trung bình của mỗi lao động đạt trên 200.000 đồng/ngày công. Với mục đích phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, ngày 1-8 vừa qua, DN đã khởi công xây dựng khu nhà xưởng mới để lắp đặt dây chuyền ép ván bóc với số vốn đầu tư 4 tỷ đồng, dự kiến sử dụng khoảng 20 lao động. Ông Cầu cho biết: Đầu ra và giá bán sản phẩm ván bóc ổn định, nhu cầu của thị trường liên tục tăng. Tuy nhiên, giá ván bóc thô hiện chỉ là 2,3 triệu đồng/1m3, chưa bằng nửa giá trị 1m3 ván đã ép, mà khối lượng ván sau khi ép gần như không thay đổi.
Ngoài DN tư nhân Hùng Giang thì tại huyện Phú Lương còn có gần 20 DN chế biến lâm sản, phần lớn hoạt động hiệu quả và liên tục mở rộng quy mô. Điển hình như: Công ty Vạn Lâm Phú, DN Vũ Chung, DN Thập Hùng, DN Nhật Đức, DN Hiệu Anh, DN Vũ Hòa…; hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, tập trung nhiều ở những địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn là: Yên Đổ, Yên Trạch, Yên Ninh, Phú Đô và Ôn Lương.
Không chỉ lĩnh vực chế biến gỗ mà các nghề TTCN khác trên địa bàn huyện Phú Lương thời gian gần đây cũng phát triển khá, dần phát huy được những tiềm năng sẵn có, như: Gia công cơ khí (tập trung nhiều ở thị trấn Đu và Giang Tiên, xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng); sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu là đá, cát sỏi, gạch không nung) - huyện có nhiều mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác; chế biến chè…
Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay, trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã của huyện có trên 70 cơ sở sản xuất công nghiêp - TTCN (tổng số có khoảng 1.200 cơ sở), tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Toàn huyện có 23 làng nghề được công nhận, tăng 12 làng so với năm 2010. Mỗi năm, tổng số lao động thường xuyên tại các cơ sở sản xuất tăng gần 400 người. Chỉ riêng năm 2013, huyện đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 669 hộ cá thể với tổng số vốn đăng ký trên 174 tỷ đồng. Nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực TTCN hiện đã có “tên tuổi” của huyện được thành lập trên cơ sở là những hộ sản xuất cá thể ở lĩnh vực đó, trong khi phần lớn cở sở sản xuất nhỏ trên địa bàn thời gian qua duy trì sản xuất khá tốt và luôn có xu hướng mở rộng quy mô.
Ngoài sự nỗ lực, nhạy bén của các chủ cơ sở sản xuất, cùng với những tiềm năng của địa phương, phải nói rằng thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Phú Lương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển TTCN. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện khóa này. Theo ông Bàn Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng thì những giải pháp được huyện Phú Lương quan tâm thực hiện nhằm phát huy những tiềm năng, thúc đẩy phát triển TTCN thời gian gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN và hộ kinh doanh (nhất là về chính sách thuế, đất đai); đào tạo lao động nông thôn; phối hợp triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm…
Những giải pháp này vẫn đang được đẩy mạnh triển khai, trong khi một số chỉ tiêu phát triển công nghiêp - TTCN của huyện đã đạt và vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015, như: Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN; số cơ sở sản xuất trung bình tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã và số làng nghề đã được công nhận…