Đến xã Phú Xuyên (Đại Từ) lần này, điều khiến tôi chú ý nhất là khu chợ đã được chuyển đến một địa điểm mới cao ráo, bằng phẳng, thoáng rộng. Những đình chợ được làm chắc chắn, lợp prôximăng. Tôi muốn bắt đầu từ hình ảnh khu chợ, vì chợ là nơi phản ánh chân thực nhất đời sống của người dân địa phương.
Và những dự cảm của tôi về sự đổi mới, phát triển vượt bậc ở Phú Xuyên quả không sai. Khu trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã được xây dựng khang trang, to đẹp, cán bộ, nhân viên không còn phải chen chúc giải quyết công việc trong mấy gian nhà cấp 4 xập xệ trước kia. Trường THCS, tiểu học, mầm non đều đã đạt chuẩn Quốc gia; Trạm Y tế xã đang đề nghị đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay; đường về các xóm đã và đang được đổ bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới; trên 90% nhà dân đều được xây dựng cấp 4 và cao tầng với nhiều kiểu dáng hiện đại… Bức tranh làng quê Phú Xuyên hiển hiện trước mắt xanh tươi, trù phú bởi màu xanh của chè, của cây rừng, của những ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự…
Anh Vũ Xuân Hường, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên tỏ rõ niềm vui, sự phấn khởi nói: Người dân xã Phú Xuyên đã biết phát huy nội lực để vươn lên. Dù là một xã thuần nông nhưng chính cây lúa và cây chè đã giúp cho người nông dân Phú Xuyên không chỉ thoát nghèo mà còn có “bát ăn, bát để”, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Thiên nhiên ưu đãi cho xã Phú Xuyên có những cánh đồng bằng phẳng, chất đất thịt phì nhiêu, màu mỡ. Cùng với đó, hồ Vai Bành nằm trên địa bàn xã vừa được Nhà nước đầu hơn 8 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, không chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng của xã mà còn tưới cho một phần diện tích đất canh tác của hai xã Na Mao và Yên Lãng. Phát huy lợi thế, nông dân xã Phú Xuyên đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, diện tích cây lúa lai của xã đứng đầu toàn huyện với 160,9ha trong tổng số 322,4ha đất canh tác, năng suất bình quân đạt 58,5tạ/ha (tăng 5,5 tạ/ha so với năm 2011). Sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn giúp người dân đầu tư cho chăn nuôi hiệu quả. Nếu như trước kia, việc chăn nuôi được xem là nghề phụ, chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nhỏ lẻ thì nay đã được đầu tư mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa. Toàn xã đã có gần chục gia đình chăn nuôi theo mô hình gia trại, nuôi ít nhất từ 20 lợn nái và 100 lợn thịt trở lên. Đàn vật nuôi ở đây cũng không bó hẹp ở con lợn, con gà mà nhiều gia đình đã nuôi thêm vịt, ngan, ngỗng, ba ba… để tăng thêm nguồn thu nhập.
Với 232ha chè, trong đó có 195ha chè kinh doanh, được xã xác định cũng là cây trồng mũi nhọn nên đã chỉ đạo bà con tập trung đầu tư thâm canh, đưa các giống chè cành vào trồng thay thế chè trung du, chuyển những khu đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè nhằm mở rộng diện tích. Trung bình mỗi năm, xã trồng mới, trồng thay thế từ 20ha chè trở lên. Hiện nay, trên 90% số hộ dân của xã đều có diện tích chè. Cây chè không chỉ giúp người dân xóa nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân làm giàu chính đáng. Để xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng chè Phú Xuyên trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xã khuyến khích, vận động bà con sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn VietGAP, xã đang tập trung xây dựng 3 xóm (Chính Phú 1, 2, 3) thành làng nghề sản xuất, chế biến và kinh doanh chè; phấn đấu đến đầu năm 2015, cả 3 xóm trên sẽ được công nhận là làng nghề.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để đạt hiệu quả cao trong trồng trọt cũng như chăn nuôi, chúng tôi tích cực tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi năm xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức khoảng 40 lớp. Hơn nữa, người dân cũng rất có ý thức trong việc tìm hiểu thêm qua sách, báo, ti vi những kinh nghiệm, cách làm hay để chủ động ứng dụng vào việc sản xuất của gia đình mình. Chính vì thế, những năm qua, xã Phú Xuyên không có dịch bệnh lớn xảy ra, người nông dân tích cực tăng gia, sản xuất, thu nhập bình quân đã đạt 19 triệu đồng/người/năm. Xã hiện đạt được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm nay sẽ đạt thêm 2 tiêu chí nữa. Để xây dựng nông thôn mới thành công, ngoài phát huy nội lực trong nhân dân, chúng tôi cũng tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư từ các từ các bộ, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp… trong việc chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện nay, xã Phú Xuyên đang được Bộ Giao thông -Vận tải hỗ trợ 21 tỷ đồng làm 9km đường giao thông liên xóm; đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng phòng học cao tầng cho Trường Tiểu học; Nhà nước đang đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 800m mương chính dẫn nước từ hồ Vai Bành về các nhánh kênh mương nội đồng…
Với những gì được mắt thấy, tai nghe và cảm nhận, chúng tôi tin tưởng rằng Phú Xuyên sẽ tiếp tục thu được những thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đạt thêm 2 tiêu chí về giao thông, y tế; giảm 24,3% số hộ nghèo xuống còn dưới 19% vào cuối năm nay là hoàn toàn khả thi…