Mặc dù thị trường được nhận định là đã ấm lên nhiều so với trước, nhưng hiện tại lĩnh vực sản xuất kim loại (nhất là kim loại phục vụ xây dựng) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hết khó khăn. Một số đơn vị sản xuất lớn cũng đang phải gồng mình trước những khó khăn chung của toàn ngành, trong đó đầu ra là rào cản lớn nhất.
Nói đến sản xuất kim loại, chưa có đơn vị nào trên địa bàn tỉnh có thể vượt qua được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Doanh nghiệp này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thị trường thép của cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Những lúc thị trường thép biến động, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên luôn là đơn vị được giao trọng trách cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp bình ổn giá trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, đơn vị này cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất được khoảng 50 nghìn tấn thép xây dựng các loại, nhưng chỉ bán được ra thị trường 2/3 sản lượng. Bởi vậy, hiện tại đơn vị đang tồn kho trên 40 nghìn tấn.
Tìm hiểu tại hai Nhà máy cán thép lớn nhất thuộc Công ty, chúng tôi mới thấy hết được những gian khó của đơn vị. Nhà máy Cán thép Lưu Xá, từ đầu năm đến nay sản xuất được trên 112 nghìn tấn thép các loại, trong đó tiêu thụ được hơn 96 nghìn tấn, hiện để tồn kho 26 nghìn tấn. Ông Đoàn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch của Nhà máy cho biết: "Đơn vị phải tạm dừng lò 15 ngày, vừa cho hoạt động lại trong tháng 8 này, nhưng chắc cũng không chạy đủ tháng vì thị trường tiêu thụ gần đây tương đối chậm, buộc phải thay đổi để đảm bảo có ít hàng tồn". Đối với Nhà máy Cán thép Thái Nguyên cũng vậy, cả tháng 7 vừa qua, đơn vị này phải dừng lò và mới hoạt động lại mấy ngày gần đây.
Cũng hoạt động trong Khu công nghiệp Gang thép, Nhà máy cán thép Thái Trung, một dự án đầu tư lớn, công suất lên tới 500 nghìn tấn/năm, mới đưa vào vận hành nhưng cũng phải dừng lò mấy tháng nay vì không có thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của Nhà máy mang thương hiệu TTR, rất mới mẻ đối với mọi người nên chưa thể vào được thị trường như các sản phẩm thép khác. Bởi thế, lúc đầu đơn vị này chỉ cán gia công cho một số doanh nghiệp với số lượng 30 nghìn tấn thép các loại. Tuy nhiên, sau đó Nhà máy không ký thêm được hợp đồng cán thuê nào nữa. Theo thông tin từ lãnh đạo Nhà máy cán thép Thái Trung, ngoài khó khăn về thị trường, cái trăn trở nhất của đơn vị hiện nay chính là vấn đề thiếu vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất lâu dài.
Cũng như các "ông lớn" nói trên, một số đơn vị sản xuất kim loại có quy mô nhỏ hơn đều chịu chung cảnh khó khăn. Công ty TNHH Luyện thép Sông Công, Công ty CP Cán thép Thăng Long, Công ty Kim khí gang thép Gia Sàng, Công ty NatSteel Vina... đang phải chật vật lo toan vấn đề giải quyết việc làm cho lao động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và duy trì sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Luyện thép Sông Công được xem là có nhiều nỗ lực vượt khó ở thời điểm hiện tại. Trung bình mỗi tháng, Công ty phấn đấu sản xuất được khoảng 1.300 tấn thép thỏi, đồng thời tiêu thụ gần 1.000 tấn thép cùng loại. Hiện, Công ty vẫn còn tồn kho khoảng 100 tấn sản phẩm. Tuy số lượng tồn kho nói trên là không đáng kể so với toàn tỉnh, nhưng cũng đủ khiến một doanh nghiệp quy mô nhỏ như Công ty TNHH Luyện thép Sông Công rơi vào thế bất lợi.
Không chỉ có sản xuất thép xây dựng gian nan mà ngay cả những đơn vị sản xuất kim loại phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ cũng ở vào hoàn cảnh xấu. Công ty Kim loại màu Thái Nguyên là một ví dụ. Từ đầu năm đến nay, ước sản xuất kẽm thỏi của Công ty là khoảng 6.000 tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng từ 5% đến 10% và để tồn kho gần 1,5 nghìn tấn...
Theo phân tích của các chuyên gia thì tình trạng doanh nghiệp sản xuất kim loại chưa hết kho khăn là bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do thị trường xây dựng chưa bình phục hoàn toàn, các dự án đầu tư mới ít được triển khai, kéo theo tình trạng khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm thép. Mặt khác, tình hình tài chính, quan hệ bạn hàng, đối tác... của các doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn. Những khó khăn trên đã khiến sản lượng thép các loại của cả tỉnh 7 tháng qua chỉ đạt gần 60 nghìn tấn, giảm trên 10% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong đó, lượng thép tồn kho hiện đã ở mức 65 nghìn tấn. Đây là điều mà các nhà xây dựng kế hoạch của tỉnh đã đoán trước được, nhưng thực tế lại không dễ có thể tháo gỡ.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh đều mong muốn có sự vào cuộc sát sao hơn nữa của chính quyền các cấp nhằm cải thiện điều kiện thị trường, cân đối cung cầu và có những chính sách ưu tiên giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp trong ngành cũng tự nhận thấy, bản thân cần phải nỗ lực hơn để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn trước mắt.