Chưa đầy 2 năm kể từ khi thành lập, song Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có tác động nhất định trong việc cải thiện mối quan hệ chính quyền - doanh nghiệp, đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới và có tác động tích cực trong việc giúp các doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế.
Từ năm 2012 trở về trước, căn cứ vào điểm số và kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2007-2011 cho thấy điểm số và kết quả xếp hạng qua các năm không ổn định, thuộc nhóm điều hành tương đối thấp, trung bình và khá. Thứ hạng cao nhất là xếp thứ 31 năm 2009, thứ hạng thấp nhất là thứ 57 năm 2011. Điểm số thấp nhất là 46,03 vào năm 2008, điểm số cao nhất đạt 58,58 vào năm 2009. Với kết quả khảo sát như trên, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên chưa thực sự tin tưởng và đánh giá cao vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sản xuât, kinh doanh của các doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiến hành nhưng chưa phải là hoạt động thường xuyên.
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến Việt Nam từ 2009, kéo các doanh nghiệp vào cơn suy thoái, và cho đến nay, như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục khó khăn. So với nhiều tỉnh thành cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa đủ mạnh, quản trị doanh nghiệp còn yếu, năng lực cạnh tranh còn kém. Theo báo cáo của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, hàng năm vẫn có hàng trăm doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong bối cảnh rất khó khăn đó, những năm 2012, 2013, chỉ số cũng như thứ hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên lại có những bước tiến mới.
Năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi tham gia đánh giá chỉ số PCI từ năm 2005 đến nay, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng thứ 17, tăng 40 bậc số với năm 2011. Lần đầu tiên chính quyền tỉnh Thái Nguyên được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thuộc nhóm điều hành Tốt, trong bối cảnh kinh tế vẫn hết sức khó khăn, trong đó có nhiều chỉ số thuộc TOP đầu; tiếp đó đến năm 2013, mặc dù về thứ hạng PCI tỉnh Thái Nguyên bị tụt 8 bậc, từ số 17 xuống thứ 25, nhưng vẫn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thuộc nhóm điều hành Khá.
Điều gì đã làm thay đổi cách đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh, đăc biệt trong thời điểm rất khó khăn và nhạy cảm, khi mà cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế? Phải chăng là lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền đã được gia tăng, mối quan hệ giữa chính quyền - doanh nghiệp đã được cải thiện theo chiều hướng rất tích cực?
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên được vận động thành lập từ tháng 6-2012, đến đầu năm 2013, Hiệp hội chính thức được thành lập. Hiệp hội đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền trên cơ sở đôi bên cùng có lợi: Chính quyền cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp mạnh lên là tiền đề để cùng với chính quyền thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.
Do đó, mục tiêu cùng nhau cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền - cộng đồng doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và chính quyền quyết tâm thực hiện. Hành động đầu tiên, nhưng là định hướng xuyên suốt trong giai đoạn về sau, đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19 về mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên trong dài hạn. Trong đó đã xác định mục tiêu, tôn chỉ "Chính quyền thân thiện, đồng hành cùng Doanh nghiệp". Đây chính là điểm tựa, là tiền đề bứt phá cho quá trình cải thiện mối quan hệ chính quyền và doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã xác định: Thứ nhất là cùng chính quyền cải thiện môi trường SXKD thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Thứ hai là, Hiệp hội làm đầu mối, chủ động tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị với chính quyền tỉnh để giải quyết. Thứ ba là, Hiệp hội chủ động mời Chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc các sở, ban, ngành đối thoại thường xuyên hoặc đột xuất khi có vấn đề phát sinh. Thứ tư là thường xuyên giữ mối liên hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp - chính quyền thông qua Câu lạc bộ Giám đốc sở, sinh hoạt thường kỳ 1 lần mỗi tháng. Các vấn đề được trao đổi thông qua kênh đối thoại cởi mở, thông tin nhiều chiều, dễ phản ánh, dễ tiếp thu hơn là các kênh trao đổi chính thức tại hội nghị hoặc bằng con đường công văn giấy tờ.
Về phía chính quyền tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, các Giám đốc sở, chủ tịch UBND huyện, thị thành và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh làm Ủy viên. Kể từ khi được thành lập, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCI được đánh giá cao. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền - doanh nghiệp, trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp. Bắt đầu bằng việc rà soát cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, cho đến hoạt động chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc...
Với những nỗ lực cải thiện của chính quyền cuối cùng cũng được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên ghi nhận bằng điểm số và xếp hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên; quan trọng hơn, những nỗ lực của cả 2 bên, giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, đã cải thiện, thúc đẩy và nâng tầm quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới, từ chỗ lỏng lẻo đến chủ động hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Bởi vậy, cho đến 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua những khó khăn của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch, một số chỉ tiêu dự ước tăng cao so với cùng kỳ và so với bình quân chung cả nước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn ước đạt 15,2%, trong đó Khu vực công nghiệp xây dựng tăng 28,6%; nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,1% và khu vực dịch vụ tăng 6,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn ước đạt 48.486 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch cả năm, gấp 3,7 lần (tăng 267%) giá trị 6 tháng đầu năm 2013. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 2.115 triệu USD, bằng 211,5% kế hoạch năm, gấp 33 lần so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương 122,3 triệu USD, bằng 83,8% kế hoạch, gấp 2,96 lần (tăng 196%) so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt 2.750 tỷ đồng, trong đó thu trong cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 2.686 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán cả năm, tăng 49,6% so với cùng kỳ. Tạo việc làm mới cho khoảng 12.328 người, bằng 56% kế hoạch cả năm, trong đó xuất khẩu lao động là 465 người, bằng 46,5% kế hoạch.
Với phương châm hành động "Chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp", là tiền đề cho việc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và chính quyền tỉnh Thái Nguyên cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền - doanh nghiệp. Từ những kinh nghiệm thực tiễn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp thu những cách làm hay, những kinh nghiệm của các tỉnh bạn để vận dụng vào tỉnh Thái Nguyên, làm sao để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, để doanh nghiệp, doanh nhân chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.