Thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giai đoạn 2012-2015, các đơn vị thuộc ngành Than trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
* Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tháng 2-2013, nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành này. Riêng Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (đơn vị trực thuộc Tập đoàn), xác định thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư, tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, lao động và tài chính. * Các doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm: Công ty Than Khánh Hòa, Công ty Than Núi Hồng, Công ty Xi măng Quán Triều, Công ty Xi măng La Hiên, Công ty Nhiệt Điện Cao Ngạn, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên. |
Như nhiều đơn vị trong ngành, những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên Công ty Than Núi Hồng (trụ sở tại xã Yên Lãng, Đại Từ) - Chi nhánh Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, đã gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, cùng với tinh thần nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động, thời gian qua Công ty đã tích cực triển khai những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như tăng cường xã hội hóa đầu tư (nhất là hoạt động vận tải), tập trung vốn cho phát triển ngành nghề cốt lõi là sản xuất than; đẩy mạnh tiết giảm chi phí, thực hiện giao khoán chi phí đến các công trường, phân xưởng sản xuất, áp dụng cơ chế thưởng phạt rõ ràng; thành lập tổ theo dõi, giám sát việc thực hiện các định mức giao khoán, thường xuyên tổng kết, phân tích, đánh giá nguyên nhân đạt hoặc không đạt chỉ tiêu giao khoán để tìm giải pháp; đầu tư thêm thiết bị máy móc, quan tâm tới công tác sản xuất sạch…
Ngoài ra, theo ông Đặng Quang Minh, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Công ty đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại nhân lực theo hướng tinh giản, phù hợp hơn, đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm than của Công ty ngày càng được cải thiện. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2013 và 6 tháng đầu năm nay cơ bản đạt và vượt kế hoạch Tổng Công ty giao, qua đó duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 836 cán bộ, công nhân viên và người lao động. Về công tác cổ phần hóa, đến thời điểm này, Công ty Than Núi Hồng đã được định giá theo kế hoạch của Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc.
Cũng là một thành viên của Vinacomin, Công ty TNHH một thành viên Than Khánh Hòa (xã Sơn Cẩm, Phú Lương) đang cho thấy những “chuyển động” khá rõ nét từ khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Than. Với mục tiêu giảm đầu mối, tập trung nguồn vốn và chuyên môn hóa sản xuất của Tập đoàn, từ ngày 1-4-2014, Công ty đã trở thành một chi nhánh của Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc. Công ty đã tích cực tiến hành sắp xếp lại tổ chức, cụ thể như: Bộ phận tiêu thụ được chuyển từ Phòng Điều khiển sản xuất sang Phòng Kế hoạch, bộ phận kiểm định chất lượng sản phẩm (KCS) được sáp nhập vào Phòng Kỹ thuật sản xuất, nhằm giảm đầu việc và chuyên môn hóa bộ phận điều hành sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, Công ty quan tâm thực hiện một loạt giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: tổ chức, bố trí sản xuất hợp lý; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và tránh thất thoát than; phát huy công suất máy móc, thiết bị; xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút lao động có trình độ; tập trung nguồn lực vào việc mở rộng khai trường và bãi đổ thải… Hiện nay, các hạng mục cuối cùng của Dự án khai thác than hầm lò của Công ty đang được khẩn trương hoàn thiện, dự kiến đi vào khai thác từ cuối năm nay với sản lượng 200.000 tấn than nguyên khai/năm. Ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Với các biện pháp đã và đang tiến hành, chúng tôi hy vọng sẽ sớm vượt qua những khó khăn trước mắt và hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả”. Được biết, Công ty than Khánh Hòa cũng đã được xác định xong giá trị doanh nghiệp, trong lộ trình trở thành công ty cổ phẩn của Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc vào đầu năm 2015.
Quản lý chặt chẽ chất lượng nguyên, nhiên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và tiết giảm chi phí trong tất cả các khâu là những giải pháp chủ yếu mà Công ty CP Xi măng Quán Triều (xã An Khánh, Đại Từ) - một thành viên của Vinacomin đặc biệt quan tâm triển khai thời gian qua. Mới đây, Công ty đã thành lập Phòng Quản lý kho bãi và Phòng KCS (kiểm định chất lượng sản phẩm); chuyển nơi làm việc của một số bộ phận chuyên môn xuống gần khu vực sản xuất và cho lắp đặt một loạt camera giám sát; thành lập tổ kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành sản xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố thiết bị. Đồng thời quan tâm đặc biệt đến việc tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm bằng cách áp dụng giải pháp phối trộn nguyên, nhiên liệu hợp lý, đẩy mạnh sản xuất vào giờ thấp điểm… Đó có thể coi là những giải pháp sống còn đối với đơn vị trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng hiện nay.
Trên đây là những ví dụ tiêu biểu cho thấy các đơn vị trong ngành Than - Khoáng sản (trên địa bàn tỉnh) đang tích cực triển khai các nội dung liên quan đến tái cơ cấu, đó cũng là những nỗ lực nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và xử lý một số bất cập đang tồn tại ở chính những đơn vị đó và của cả ngành Than. Hy vọng, “luồng gió mới” này sẽ khiến các thành viên của ngành Than tại tỉnh, cũng là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn sớm khởi sắc trở lại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./