Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên

17:44, 28/08/2014

Trước những khó khăn do sự thiếu hợp tác của nhà thầu và việc vay vốn bổ sung bị đình trệ do nhiều nguyên nhân, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của Công ty. Tuy nhiên đến nay, với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức tín dụng và Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP cùng nỗ lực của cả đội ngũ, nút thắt về cơ chế chính sách, về vốn cho Dự án đã có lời giải…

 Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên là Dự án nhóm A được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 342/TTg-CN ngày 01/4/2005 và giao cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai tại 2 khu vực: Gói thầu EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá và gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng.

 

Ngày 29/9/2007, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khởi công thực hiện Dự án với mục tiêu đến năm 2009 nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1.000.000 tấn/năm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đưa Công ty trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực và  thế giới, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Được kỳ vọng lớn và dự kiến cuối tháng 5-2011, các dây chuyền của Dự án sẽ được chạy thử và đi vào hoạt động sản xuất, tuy nhiên cho đến nay, sau 8 năm kể từ lúc vay vốn, 7 năm tính từ ngày khởi công, Dự án vẫn bị đình trệ, chưa hoàn thành theo kế hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của Công ty!

 

Nói về nguyên nhân của việc chậm tiến độ, ông Trần Văn Khâm, Tỉnh ủy viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: Dự án hiện có 2 khó khăn cơ bản: Thứ nhất, theo cam kết, đến thời điểm 30/6/2014, Nhà thầu MCC (Tập đoàn KHCN và Thương mại luyện kim Trung Quốc) sẽ phải chuyển hết 526 tấn thiết bị ba điện và gạch chịu lửa của Nhà máy Luyện thép đến công trường xây dựng giao Chủ đầu tư quản lý, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có thông tin gì từ phía Nhà thầu MCC về việc vận chuyển thiết bị còn lại. Thứ hai, đó là khó khăn về nguồn vốn. Do Dự án chậm tiến độ đã làm tổng mức đầu tư tăng từ 3.843 tỉ đồng (phê duyệt từ năm 2005) lên 8.104 tỉ đồng (sau khi rà soát lại vào thời điểm quý I/2012). Mặc dù Dự án đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và chỉ đạo một số ngân hàng tiếp tục tài trợ vốn, nhưng do các ngân hàng chậm giải ngân nên hơn 1 năm nay các nhà thầu đã rút hết lực lượng lao động trên công trường dẫn tới sự bế tắc khi triển khai Dự án.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP khẳng định: Việc Dự án chậm tiến độ có làm cho hiệu quả thương mại, tài chính bị phương hại, giảm sút, nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án vẫn được đảm bảo và có khả năng trả nợ nếu được cơ cấu lại. Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng và sớm đưa Dự án vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên phối hợp với các Ban của CTCP tập trung rà soát lại tổng mức đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế của Dự án; rà soát toàn bộ khối lượng công việc đã thực hiện, khối lượng dở dang và khối lượng chưa thực hiện ở các hạng mục; tổ chức đàm phán với tổng thầu, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng phương án tiếp tục triển khai Dự án và Tổ công tác hỗ trợ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thực hiện Dự án…

 

Cùng mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho Dự án, từ đầu năm 2014 đến nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát, chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng và Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đồng thời ban hành nhiều văn bản tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên như: Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải số 110/TB-VPCP ngày 19/3/2014; số 253/TB-VPCP ngày 04/7/2014 và số 309/TB-VPCP ngày 04/8/2014 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án…

 

Đặc biệt, ngày 28-7-2014, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về Dự án. Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến đề xuất của các đại biểu đại diện lãnh đạo: Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất với đánh giá của các bộ, ngành, tổng công ty và các tổ chức tín dụng về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với cơ chế tài chính cho Dự án. 

 

Đánh giá hiệu quả của Dự án, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị cần tính toán kỹ các phương án để tháo gỡ khó khăn, đồng thời giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan và Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp 1.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước để đầu tư vào Dự án; giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam căn cứ đánh giá của Bộ Công Thương về hiệu quả Dự án và khả năng trả nợ của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; xây dựng phương án tiếp tục cho Công ty vay vốn theo phương thức hợp vốn và xem xét cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành; tiếp tục cho vay theo cơ chế vay vốn đối với giai đoạn I của Dự án, thời gian vay vốn là 15 năm…

 

Với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức tín dụng và Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP cùng nỗ lực của Đảng ủy, HĐQT, Ban Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nút thắt về cơ chế chính sách, về vốn cho Dự án đã có lời giải. Có thể nói, việc giải quyết theo cơ chế đặc cách của Chính phủ cùng với sự ủng hộ của các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng sẽ giúp Công ty đẩy nhanh tiến độ của Dự án, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm việc làm thu nhập cho người lao động và làm tốt công tác an sinh xã hội.