“Thắt lưng, buộc bụng” đầu tư mở rộng sản xuất

08:14, 06/08/2014

Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ đã có thời điểm đứng trên bờ vực phá sản vì thua lỗ kéo dài, người lao động thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ năm 2006 trở lại đây, doanh nghiệp này đã có những bước tiến vững chắc, trở thành một trong những đơn vị có doanh thu lớn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Không bằng lòng với kết quả đã có, tập thể Công ty đang thắt chặt chi tiêu, huy động các nguồn lực để tiếp tục mở rộng sản xuất, phấn đấu đưa doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng/năm…

Ông Hoàng Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ đưa chúng tôi đi 1 vòng xung quanh đơn vị để giới thiệu về quy mô của 2 dây chuyền sản xuất giấy hiện đại đang được lắp đặt trị giá trên 210 tỷ đồng. Dưới cái nắng gay gắt, 27 kỹ sư và vài chục công nhân của các đơn vị lắp ráp đang “tăng tốc” tiến độ để kịp đưa dây chuyền sản xuất giấy số 7 vào hoạt động giữa năm 2015. Còn 291 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ ở tất cả các bộ phận cũng đang cần mẫn như những chú “ong thợ” để cùng góp sức hoàn thành kế hoạch doanh thu 320 tỷ đồng trong năm 2014.

 

Liên tục trong vài năm gần đây, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ đã kinh doanh có lãi (năm 2006 lãi 861 triệu đồng, đến năm 2013 lãi trên 14 tỷ đồng) nhưng từ cán bộ đến công nhân đều có ý thức tiết kiệm nên phần lớn lợi nhuận hàng năm đều được tái đầu tư cho sản xuất. Mới đặt chân đến Công ty, chúng tôi vẫn thấy đâu đó còn có những công trình nhuộm màu thời gian do được xây dựng từ thế kỷ trước, nhưng khi đi sâu vào các khu vực sản xuất, thật sự bất ngờ trước những dây chuyền sản xuất giấy hiện đại đang chạy hết công suất; xe ô tô chuyên chở nguyên liệu đến, vận chuyển sản phẩm đi phân phối ra vào liên tục. Trên khu vực bãi đổ xỉ thải trước đây giờ là các công trường hừng hực khí thế lao động để đưa các thiết bị, dây chuyền mới vào sản xuất…

 

Sau chuyến “dã ngoại” một vòng quanh khuôn viên Công ty rộng trên 8ha, cả chủ và khách áo đã ướt đẫm mồ hôi nên chúng tôi dừng nghỉ trong căn phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Không hiện hữu những đồ dùng xa xỉ thường thấy ở một số doanh nghiệp phát đạt mà từ ấm chén, bàn ghế đến các loại thiết bị khác đều giản dị nhưng được bài trí khoa học. Ông Thông tự pha nước mời chúng tôi và chia sẻ: “Công ty được vực lên từ điểm bên bờ phá sản nên giờ lãnh đạo hay công nhân đều cần phải căn cơ, chịu khổ để đầu tư cho tương lại. Những điều chúng tôi ưu tiên hiện nay là thanh toán đủ lương, đóng BHXH, BHYT và giải quyết các chính sách theo quy định cho người lao động. Còn lợi nhuận có được sẽ cùng với nguồn vốn huy động để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa dây chuyền sản xuất với giá trị giai đoạn I là 210 tỷ đồng và 35 tỷ đồng đầu tư ứng dụng công nghệ đốt mùn cưa, vỏ cây thay thế 50 nghìn tấn than/năm. Tiến tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất viên nén từ mùn cưa, vỏ cây để chủ động nguyên liệu và cung cấp cho thị trường. Công ty phấn đấu trong giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm”.

 

Căn phòng của Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Thái Sơn cũng rất ấn tượng vì ngoài sự giản dị, trên bàn làm việc còn có thêm chiếc mũ cối đã bạc màu. Anh Sơn nói vui rằng 80% thời gian làm việc là ở dưới các phân xưởng, công trường lắp máy nên đội mũ cối là ưu việt nhất vì chống được nắng, nóng còn không hay bị rơi khi đi lại! Qua trao đổi với người đứng đầu cấp ủy Đảng của đơn vị, chúng tôi được biết: Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ hiện có 4 chi bộ Đảng với 73 đảng viên. Đây là lực lượng quyết định sự phát triển của Công ty vì các đảng viên đều nắm giữ các vị trí chủ chốt từ Ban Giám đốc đến phòng, phân xưởng và chí ít cũng là những công nhân lành nghề.

 

Loại hình doanh nghiệp đã thay đổi nhưng sự phát triển của Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ trong những năm qua đã không ngừng đóng góp vào sự phát triển của tỉnh: Hàng trăm lao động là người địa phương có việc làm, thu nhập ổn định; Nhà nước thu được các loại thuế (năm 2014, đơn vị này có kế hoạch nộp thuế khoảng 17 tỷ đồng). Hy vọng rằng, với chiến lược phát triển mới, trong những năm tiếp theo, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và trở thành điểm sáng trong bức tranh công nghiệp của tỉnh.