Chỉ trong 7 tháng của năm nay, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới con số 245 (tăng 9 DN so với cả năm 2013), trong đó DN bỏ địa điểm kinh doanh chiếm tới 46,5%. Ngoài ra còn có 194 DN tạm nghỉ kinh doanh. Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì?
Có lẽ, chưa bao giờ, việc đăng ký thành lập DN lại dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Đối với DN tư nhân, thành phần hồ sơ chỉ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký DN tư nhân; bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của chủ DN; các giấy tờ khác nếu đăng ký kinh doanh ngành nghề có điều kiện: - Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (đối với DN kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định), - Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với DN tư nhân kinh doanh các ngành, nghề. Và chỉ sau 5 ngày kể từ thời điểm nộp đủ hồ sơ, DN đã có thể nhận được giấy chứng nhận đầu tư và mã số thuế. Cũng chính vì thủ tục hết sức đơn giản, nhanh gọn như vậy, nên bất cứ ai (chỉ cần có đủ năng lực hành vi, không thuộc đối tượng truy nã) đều có thể đăng ký thành lập DN, thậm chí cùng lúc có thể thành lập nhiều DN. Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực thì đây được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng DN bỏ địa điểm kinh doanh trong thời gian qua.
Theo thống kê của Phòng Kê khai - Kế toán, Cục thuế tỉnh: Từ năm 2013 trở lại đây, trong khi cả tỉnh có 543 DN thành lập mới, thì lại có tới 708 DN ngừng hoạt động và tạm nghỉ kinh doanh. Cùng với đó là một lượng không nhỏ DN hoạt động trong tình trạng cầm chừng, nhiều tháng liền, thậm chí cả năm trời không phát sinh doanh thu nhưng hằng tháng vẫn nộp tờ khai đầy đủ tại cơ quan thuế với hy vọng DN sẽ vực được dậy. So với những năm trước, số DN ngừng hoạt động và tạm nghỉ kinh doanh tăng khá lớn.
Nguyên nhân chính được xác định là do nền kinh tế thế giới và trong nước những năm qua gặp nhiều khó khăn, tuy đang có dấu hiệu ấm dần nhưng chưa thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, phần lớn DN trên địa bàn là DN tư nhân, có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, do đó việc tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, thắt chặt chi tiêu, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các DN. Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân có DN được thành lập là để trục lợi chính sách thuế của Nhà nước nên có khi họ chỉ hoạt động được vài tháng, thậm chí là không ngày nào đã phải dừng hoạt động bằng cách bỏ địa điểm kinh doanh, trước sự quản lý sát sao của cơ quan thuế. Cũng có cả những DN được thành lập nhằm mục đích cho mượn tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng, hoặc chỉ để có đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng, với mức lãi suất ưu đãi; thậm chí là để tạo lòng tin với các tổ chức, cá nhân nhằm huy động vốn trái phép, khi đã thực hiện thành công thì tự ý bỏ địa điểm kinh doanh.
Cũng theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, từ tháng 11-2013 đến tháng 7-2014, toàn tỉnh phát hiện 4 DN sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì các DN bị phát hiện là “có vấn đề” chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể nêu ra đây trường hợp của Công ty TNHH T.H (T.P Thái Nguyên) hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Năm 2011, cơ quan Thuế phát hiện DN có hành vi mua bán hóa đơn đầu vào để khấu trừ khống và bán khống hóa đơn đầu ra. Ngoài ra, Công ty này còn lập hóa đơn chênh lệch giá trị và thuế giữa liên 1, liên 3 với liên 2 để chỉ phải nộp thuế ít hơn so với thực tế. Trước hành vi này, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và kết quả, chủ DN đã bị Tòa án tuyên phạt tù.
Trong số các địa phương có DN bỏ địa điểm kinh doanh nhiều nhất phải kể đến huyện Phú Lương, với 37 DN trong tổng số hơn 50 trường hợp ngừng hoạt động và đóng mã số thuế. Theo ông Đặng Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Lương thì việc các DN được thành lập quá dễ dàng để rồi nhiều DN thành lập xong không hoạt động, hoặc hoạt động theo thời vụ đã và đang gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan thuế. 6 tháng đầu năm 2014, trong số gần 140 DN còn hoạt động trên địa bàn thì có khoảng 40% DN nhiều tháng liền không phát sinh thuế. Với tình trạng này, khả năng phát sinh thêm DN bỏ địa điểm kinh doanh trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Ông Tuấn cũng cho rằng, không loại trừ khả năng có những DN được thành lập là để mua bán hóa đơn vì cơ chế quản lý, sử dụng hóa đơn thời gian trước quá dễ dàng, có nhiều kẽ hở mà DN có thể lợi dụng, thu lợi bất chính.
Còn theo ông Nghiêm Quang Khương, Trưởng phòng Thanh Tra, Cục thuế tỉnh, việc tạo điều kiện tối đa cho DN trong việc thành lập là cần thiết nhưng không vì thế mà xem nhẹ việc xác định nhân thân của người đứng ra thành lập DN. Ngay với cơ chế thông thoáng, cởi mở trong việc in ấn và sử dụng hóa đơn thời gian qua cũng bị nhiều DN lợi dụng, khiến việc quản lý của cơ quan thuế gặp không ít khó khăn và nhiều DN vô tình trở thành nạn nhân của việc sử dụng hóa đơn không đúng quy định. Một vấn đề khác cần nhắc đến đó là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý DN có biểu hiện vi phạm pháp luật cũng chưa thật hiệu quả, khiến nhiều vụ việc dây dưa, kéo dài…
Việc tạo điều kiện tối đa cho DN từ thủ tục thành lập đến quá trình hoạt động là điều hết sức cần thiết nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện này, các cơ quan chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những DN có biểu hiện hoạt động thiếu lành mạnh. Và với những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc, để tạo được sức răn đe cần thiết cho tất cả các DN.