Việc triển khai những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được tỉnh ta quan tâm thúc đẩy, nhằm tạo “đòn bẩy” để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của khu vực này. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp (DN) được “tiếp sức”, đầu tư có hiệu quả vào nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 10-2-2014, quy định những ưu đãi, hỗ trợ DN về: Đất đai: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học - công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu, xử lý chất thải, cước phí vận chuyển... Từng lĩnh vực ưu đãi được quy định các mực hỗ trợ cụ thể. |
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Thái Nguyên có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp như: trồng và chế biến chè, gỗ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...; vùng nông thôn có tiềm năng dồi dào về đất đai, lao động. Những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu vực này như: chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hoạt động khuyến công; phát triển hệ thống chợ; chính sách tín dụng; cải cách hành chính… Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào địa bàn, thông qua nhiều đề án, chương trình liên quan đến phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu vực kinh tế tập thể; bố trí ngân sách địa phương, nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình như việc triển khai hoạt động khuyến công. Năm 2013 vừa qua, với nguồn kinh phí khuyến công được cấp 4,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương là trên 2,5 tỷ đồng), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương) đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn; tổ chức nhiều lớp tập huấn về khởi sự DN, sản xuất công nghiệp sạch hơn, nâng cao năng lực quản lý cho hàng trăm cá nhân là cán bộ DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Riêng nguồn kinh phí khuyến công địa phương được dùng để triển khai có hiệu quả 23 đề án, điển hình là xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới cũng như quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn...
Các hoạt động hỗ trợ như vậy giúp nhiều DN cảm thấy vững tin hơn khi quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất tại vùng nông thôn, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông Lường Văn Đông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lâm Phú (tiền thân là Công ty TNHH Biển Đông, có trụ sở tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương) cho biết: Giữa năm 2012, khi đầu tư dây chuyền sản xuất thanh củi (thanh nhiên liệu) mùn cưa, chúng tôi đã được hỗ trợ trên 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công. Đồng thời được cán bộ khuyến công tư vấn lựa chọn công nghệ và bố trí nhà xưởng sản xuất hợp lý. Chúng tôi cũng được miễn, giảm các loại thuế theo quy định. Là DN đầu tư tại vùng khó khăn trong khi tiềm lực còn hạn chế, những sự sự hỗ trợ như vậy dù không lớn nhưng rất thiết thực, giúp chúng tôi bớt khó khăn và tự tin hơn khi triển khai dự án… Được biết, Công ty TNHH Vạn Lâm Phú là DN duy nhất tại khu vực miền núi phía Bắc (tính đến thời điểm này) đầu tư dây chuyền sản xuất thanh củi mùn cưa từ các phế phẩm nông, lâm nghiệp (chủ yếu là mùn cưa, phoi bào, vỏ cây, củi) với công nghệ hiện đại. Sản phẩm của Công ty sản xuất ra hiện không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và đang hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì số lượng dự án đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít; đa số các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ bé, năng lực còn yếu và đặc biệt là thiếu vốn đầu tư. Thực trạng này chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực nông nghiêp, nông thôn, do một số nguyên nhân như: hạ tầng giao thông tại khu vực nông thôn còn yếu, thiếu những vùng nguyên liệu tập trung, các chủ cơ sở sản xuất nhỏ còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, suy thoái kinh tế… Điều đó đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là việc triển khai kịp thời, có hiệu quả những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thái cho biết: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được coi như “đòn bẩy” mới, có sức nặng “kéo” các nhà đầu tư vào nông nghiệp, khu vực nông thôn. So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó liên quan đến vấn đề này thì Nghị định 210 có quy định chi tiết, rõ ràng hơn về lĩnh vực ưu đãi, mức và nguồn vốn hỗ trợ nhà đầu tư. Nhằm sớm triển khai có hiệu quả Nghị định 210, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì rà soát và phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2014-2020; tham mưu ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình. Tôi nghĩ rằng, khi các chính sách được triển khai hiệu quả sẽ tạo sự chuyển biến rất đáng kể trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, theo ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Bắc Kạn - Thái Nguyên thì Ngân hàng này đang xúc tiến việc hoàn thiện hướng dẫn nghiệp vụ bảo lãnh cho các DN nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của Chính phủ. Đây là cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho các nhà đầu tư thiếu vốn và khả năng thế chấp để triển khai các dự án góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.