Các doanh nghiệp khắc phục sản xuất sau bão

08:42, 23/09/2014

Đối với huyện Phú Lương, trận lụt do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua được xem là trận lụt lịch sử. Cùng với những thiệt hại về nhà cửa, chuồng trại, hoa màu của người dân, trên địa bàn huyện đã ghi nhận những thiệt hại của một số đơn vị sản xuất công nghiệp, trong đó, đáng kể có Nhà máy Luyện xỉ titan Cây Châm và Mỏ than Phấn Mễ.

Một ngày sau khi nước rút (tức là ngày 19-9), chúng tôi có mặt tại Nhà máy Luyện xỉ titan Cây Châm (Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi). Lúc này, lối vào Nhà máy vẫn bị ngập nước, nên chúng tôi phải đi vòng, men theo đường dân sinh để vào bên trong. Chật vật lắm chúng tôi mới tới nơi bởi đường quá lầy lội. Lãnh đạo Nhà máy đang cho anh em công nhân kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất để phương án tiếp tục vận hành.

 

Ông Trương Trần Bảo, Phó Giám đốc Công ty, phụ trách hoạt động sản xuất tại Nhà máy cho biết: Mấy ngày có bão, ngành Điện ngừng cấp điện nên hoạt động sản xuất phải dừng hoàn toàn. Hơn nữa, đơn vị phải tập trung nhân lực, phương tiện túc trực 24/24 để đề phòng bão lụt. Ngay hôm đầu tiên mưa lớn, nước dồn về nhiều, gây tắc tại khu vực cống xả nước gần bãi rác thải của huyện và cánh đồng phía thượng nguồn của xã. Nhận điện thoại từ Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão xã Động Đạt, Nhà máy đã điều ngay 2 máy xúc đến khơi thông khu vực cống xả, giúp thoát nước nhanh hơn. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Mã Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Nếu Nhà máy không can thiệp kịp thời, chắc chắn 10ha lúa của bà con sẽ bị ngập úng lâu hơn, không những thế hoạt động xử lý rác thải tại bãi rác của huyện cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

 

Đối với những thiệt hại của Nhà máy sau bão, ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi thông tin: Đơn vị đang vận hành 4 tổ máy luyện xỉ với công suất hàng chục nghìn tấn sản phẩm titan và gang hợp kim/năm, do có bão, mất điện khiến hoạt động sản xuất phải ngừng trệ. Toàn bộ sản phẩm chưa kịp ra lò bị đông cứng bên trong, muốn khởi động lại phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Ước tính, chi phí khởi động lại 4 lò luyện trên khoảng gần 1 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, nước rút, điện cấp trở lại, lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo Nhà máy bằng mọi giá phải khởi động lại lò để kịp đáp ứng lượng sản phẩm titan đã ký với phía đối tác Nhật Bản và sản phẩm gang cung cấp ổn định cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Được biết, để các lò vận hành được, đội ngũ công nhân Nhà máy phải sử dụng choòng phá thủ công nên gặp không ít khó khăn. Song với quyết tâm cao độ, chỉ sau hai ngày bão tan, toàn bộ 4 lò của Nhà máy đã được khởi động lại và đưa vào vận hành ổn định. Bắt đầu từ ngày 21-9, toàn bộ trên 100 lao động của Nhà máy đã bắt đầu đi làm trở lại.

 

Tại Mỏ than Phấn Mễ, tôi được Giám đốc Mỏ, ông Nguyễn Văn Phong thông tin: Trận lụt vừa qua đã khiến toàn bộ Văn phòng Mỏ bị ngập sâu dưới nước khoảng 1m, nhiều mét tường rào bị đổ, không ít xe ô tô bị ngập do không chạy kịp. Toàn bộ moong khai thác lộ thiên bị chìm trong nước, khiến bờ tầng bị sạt lở nghiêm trọng. Những khu vực khai thác hầm lò cũng bị nước tràn vào phải huy động lực lượng túc trực bơm hút thường xuyên. Một số kho trữ than đã khai thác của đơn vị cũng bị ngập sâu hàng mét nước, làm trôi hàng trăm tấn than. Hơn thế, rất nhiều động cơ máy móc, thiết bị phục vụ khai thác mỏ bị ngập sâu trong nước. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Được biệt, sau nước rút, Mỏ than Phấn Mễ đã huy động cán bộ, công nhân tổ chức xây lại hàng rào, bố trí máy bơm công suất lớn hút nước tại khu vực hầm lò; tổ chức dọn dẹp, vệ sinh bờ tầng khu vực moong lộ thiên để nhanh chóng đưa khai trường vào sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Phong, chắc phải cả tháng nữa hoạt động sản xuất tại Mỏ mới trở lại bình thường.

 

Ngoài hai đơn vị trên, còn một số đơn vị, doanh nghiệp khác trên địa bàn bị ảnh hưởng và có những thiệt hại nhất định. Trong đó, đáng lưu ý có một đơn vị khai thác than hầm lò tại khu vực mỏ Đồi Còi, xã Phấn Mễ bị sập 2 hầm khai thác than và cuốn trôi khoảng 3.000 tấn than. Theo ước tính của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Phú Lương, thiệt hại tại các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 10 tỷ đồng.

 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện nay huyện Phú Lương đang cùng các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, đồng thời động viên doanh nghiệp tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đưa dây chuyền vào sản xuất. Huyện cũng sẽ đề nghị với tỉnh có những ữu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.