Chính sách và thực thi

09:49, 18/09/2014

Một chính sách hay là tiền đề hết sức quan thiết để thúc đẩy sự phát triển trong một hay nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên để cụ thể hóa những chính sách đó thì quá trình tổ chức thực hiện để thực thi chính sách là tối cần thiết và kết quả thực hiện chính sách đó nói lên năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, cơ quan quản lý trong từng lĩnh vực được giao.

Thực tế trên phạm vi cả nước, các ngành và địa phương đã có nhiều chính sách rất hay, có tính khoa học và thực tiễn cao, tuy nhiên khi thực thi thì cũng không ít chính sách không được triển khai thấu đáo, hiệu quả thấp, các nội dung của chính sách bị mai một, rơi rụng khi xuống đến cơ sở. Nguyên nhân có nhiều, song có một nguyên nhân rất khó khắc phục đó là: chính bản thân các cơ quan quản lý, các cán bộ không muốn thực thi triệt để các chính sách, các cải cách đó vì họ muốn duy trì cơ chế cũ để trục lợi. Nguyên nhân này đã được Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ và quyết tâm chỉ đạo khắc phục bằng những giải pháp mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

 

Lần này, quyết tâm của Chính phủ sẽ chỉ đạo chặt chẽ về thực thi chính sách. Các bộ, ngành liên quan phải cam kết thực hiện CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư, ngăn chặn tối đa những phiền hà, tiêu cực của các cơ quan, cán bộ, công chức khi thực thi chính sách. Việc thực hiện CCHC không chỉ là cải cách trong công việc mà phải cải cách ngay trong nhận thức và thái độ làm việc của cán bộ, công chức; những tích cực phải được khen thưởng kịp thời, những vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ phải xử lý nghiêm minh.

 

Đi đầu trong thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 119, theo đó hàng loạt những thủ tục không cần thiết trong lĩnh vực thuế, hải quan không cần thiết đã được loại bỏ ngay từ đầu tháng 9-2014, giúp DN tiết kiệm được hơn 200 giờ tính thuế, khai thuế mỗi năm. Cam kết của Bộ Tài chính là sẽ tiếp tục cải cách để thời gian nộp thuế của DN chỉ còn 171 giờ vào năm 2015, tức là giảm hơn 3 lần so với trước khi thực hiện Thông tư số 119 của Bộ Tài chính. Nếu như những cam kết trên được thực thi triệt để, hiệu quả thì đây sẽ là thuận lợi rất lớn cho các DN, các nhà đầu tư đến làm ăn tại Việt Nam.

 

Các bộ, ngành liên quan khác được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi trong thời gian tới là: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng cũng đã có những cam kết mạnh mẽ trong thực thi chủ trương CCHC của Chính phủ. Trong nhiều lĩnh vực, Chính phủ chỉ đạo phải rà soát thật kỹ để cắt giảm khoảng 30% các thủ tục hành chính để hạn chế phiền hà cho DN, nhà đầu tư…

 

Tại các địa phương, qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy có những địa phương rất quyết liệt trong thực hiện CCHC, cải thiện môi trường đầu tư và đã thu được kết quả tốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó cũng có không ít tỉnh, thành phố chỉ số PCI đạt rất thấp do không thực thi tốt các chính sách của Chính phủ về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, các DN, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, phiền nhiễu khi đến làm ăn tại các địa phương đó. Vì vậy Chính phủ cũng đã nêu quyết tâm chỉ đạo cụ thể các địa phương cần thể hiện rõ thái độ, chỗ nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng kịp thời; chỗ nào, cán bộ, công chức nào chưa làm tốt, chây ỳ, gây khó dễ cho người dân, cho DN để trục lợi cần phải xử lý nghiêm minh… Với quyết tâm và sự cam kết mạnh mẽ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, hy vọng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ có sự cải nhanh chóng, theo kịp các nước phát triển trong khu vực và thế giới.