Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

16:14, 04/09/2014

Doanh nghiệp (DN) được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng (NH) với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh; còn NH thì có điều kiện để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng… Đó là 2 trong số nhiều mục tiêu mà Chương trình kết nối NH-DN hướng đến do NH Nhà nước chi nhánh tỉnh triển khai bắt đầu từ giữa tháng 7-2014.

Chương trình kết nối NH-DN là một trong các biện pháp nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Một trong những nội dung của Chương trình là Hội nghị đối thoại và ký kết hợp đồng tín dụng giữa NH-DN vừa được tổ chức mới đây do UBND tỉnh chủ trì.

 

Tại Hội nghị này, đại diện 5 chi nhánh NH thương mại trên địa bàn đã tham gia ký kết hợp đồng tín dụng với 10 khách hàng DN và cá nhân mang tính chất đại diện thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Có hợp đồng tín dụng cho vay mới, có hợp đồng giảm lãi suất các khoản vay trước (từ hơn 10% xuống còn 8-9%), có hợp đồng điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng, trong số này có nhiều hợp đồng cùng lúc được thực hiện từ 2-3 điều khoản nêu trên. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, Chương trình kết nối NH-DN đã thu hút được sự tham gia của 100% NH thương mại trên địa bàn (20 NH) và tính đến cuối tháng 8, đã có 30 khách hàng tham gia Chương trình, với tổng số tiền được ký kết lên tới 2.538 tỷ đồng.

 

Thực tế cho thấy, trước đây, việc đối thoại giữa DN với chính quyền địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đã được UBND tỉnh và T.P Thái Nguyên thực hiện. Tuy nhiên, khi đó, NH chỉ tham gia với tư cách là một thành viên, chứ không mang tính chuyên sâu. Bởi thế, Hội nghị đối thoại giữa DN với NH đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các DN cũng như các NH thương mại. Theo ghi nhận của chúng tôi, đã có nhiều ý kiến xác đáng được đưa ra để các NH cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước phải xem xét, cân nhắc để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đó là việc xác định điều kiện và định giá tài sản bảo đảm của nhiều NH còn chưa thống nhất; hay như việc có sở, ngành còn chưa tạo điều kiện kịp thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý về cấp Giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất cho DN theo quy định…

 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chỉ mang tính chủ quan, cá biệt, không đại diện cho các DN, thậm chí là chưa chính xác nhưng theo các chuyên gia tài chính - NH, thì các ý kiến dù đúng hay chưa thì qua buổi thảo luận này cũng đã giúp cho cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành cũng như hệ thống NH trên địa bàn thêm hiểu các DN đang nghĩ gì, gặp khó khăn, vướng mắc ra sao để từ đó có sự điều chỉnh  hợp lý, hiệu quả.

 

Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao sự cần thiết của Chương trình kết nối NH-DN, đồng thời nhấn mạnh: Chương trình thể hiện sự tập trung trong chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động SX-KD của DN và NH, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Do đó, các bên tham gia chương trình phải làm hết vai trò, trách nhiệm của mình để giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ổn định SX-KD. Qua lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các DN, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành NH để đánh giá, nhận diện những khó khăn của DN, đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực đối với từng nhóm DN đang gặp khó khăn đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Sở, ngành, địa phương nào gây khó khăn cho DN, thì chủ DN có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh qua điện thoại. Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, cần tiếp tục đẩy mạnh các buổi đối thoại trực tiếp với DN, qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu về vốn, lãi suất cũng như những vướng mắc có liên quan đến quan hệ tín dụng để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX-KD của DN…

 

Cũng như nhiều chủ DN khác, ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt (T.P Thái Nguyên) rất phấn khởi khi được tham gia Hội nghị đối thoại NH-DN. Ông Minh cho rằng, đây là dịp để các DN được trình bày tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đến các cấp có thẩm quyền. Ông Minh bảo, chưa bao giờ DN vay vốn NH lại thuận tiện như hiện nay và lãi suất cũng đang được duy trì ở mức hết sức hợp lý. Tuy nhiên, điều mà ông Minh thấy băn khoăn là ở cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác nhận tài sản trên đất của DN. Trong khi tài sản trên đất có thể trị giá đến vài tỷ đồng, nhưng do không phải là nhà mà chỉ là những bến, bãi bê tông, tường rào… nên không được cơ quan chức năng xác nhận có tài sản trên đất, khiến việc vay vốn NH của DN bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khác với ý kiến nêu trên, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa T.P Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc Công ty Du lịch Phú Thái Hà, T.P Thái Nguyên… lại cho rằng, các NH cần đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay tín chấp đối với những DN hoạt động hiệu quả, có uy tín; một số thủ tục của NH còn rườm rà, khó thực hiện, nhất là đối với những DN nhỏ và vừa…

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho rằng, bước đầu, Chương trình kết nối NH-DN đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho cả DN và NH. Chương trình đã thu hút được có sự tham gia, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước để từ đó có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương. Thời gian tới, có thể theo quý, 6 tháng hoặc 1 năm, những Hội nghị đối thoại với DN như thế này sẽ được duy trì tổ chức với quy mô và hình thức đa dạng hơn, có thể ở phạm vi cấp tỉnh, huyện, với từng NH thương mại cụ thể hoặc theo phạm vi các Hội DN riêng lẻ.