Ngày 24-9 năm nay, Công ty Than Khánh Hòa (Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin) tưng bừng Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập. Tập thể cán bộ, công nhân các thế hệ của Công ty đều cảm thấy tự hào về truyền thống vẻ vang của những người thợ mỏ vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa.
Những năm gần đây, Công ty Than Khánh Hòa liên tục tăng dần sản lượng khai thác, sản xuất, tiêu thụ than sạch và bóc đất đá, cụ thể là:
|
Ngày 24-9 hằng năm được coi như một mốc son chói lọi ghi dấu ấn vào lịch sử xây dựng và phát triển ngành Than vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, đóng góp vào sự hình thành và phát triển của ngành Than cả nước. Những người thợ mỏ và gia đình của họ, lại tụ hội về khu mỏ Quán Triều để cùng nhau ôn lại trang sử truyền thống, oanh liệt của mỏ than đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tháng 9-1949, được sự đồng ý của Chính phủ, Nha khai khoáng và Công nghệ lúc đó đã ra quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn bao gồm Quán Triều và Làng Cẩm. Ông Ngô Huy Lễ được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Xí nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Trên thực tế ngày 24-9 là ngày khai sinh Công ty Than Khánh Hòa hiện nay với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) được sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là đồng chí Lê Thanh Nghị, Xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ khai thác than để phục vụ tiếp quản Thủ đô. Vùng mỏ Quán Triều lúc đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi; sản xuất than thắp sáng Thủ đô và đã vận chuyển được 1.320 tấn than tập kết ở ga Trung Giã và cung cấp cho nhà Máy điện Yên Phụ phát điện.
Hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, năm 1956 Xí nghiệp Lam Sơn được chia tách thành 2 đơn vị là Mỏ than Quán Triều và Mỏ than Làng Cẩm. Mỏ than Quán Triều là Công ty Than Khánh Hòa ngày nay với đội ngũ 500 công nhân và một Đảng bộ có 50 đảng viên.
Bị thua đau ở miền Nam, Đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5-8-1964 và leo thang bắn phá ra Miền Bắc, những người thợ mỏ vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Năm 1967, Mỏ than Quán Triều đổi tên là Mỏ than Khánh Hoà (tên của tỉnh Khánh Hoà kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái), thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, cán bộ công nhân Mỏ than Quán Triều nói riêng với tỉnh kết nghĩa Khánh Hoà, với miền Nam ruột thịt. Do có nhiều thành tích xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 2005 Công ty Than Khánh Hoà được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Từ năm 2009 đến 2014, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, Công ty đã tổ chức sản xuất và cung ứng đủ theo yêu cầu về sản lượng than, bóc đất đá theo tỷ lệ tương ứng theo hệ số. Thu nhập bình quân của người lao động, đời sống văn hóa tinh thần cũng được tăng dần và cải thiện theo thời gian.
Công ty luôn hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, thường xuyên phối hợp với địa phương các xã Sơn Cẩm, Phúc Hà đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng chống các tệ nạn xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Công ty luôn quan tâm đến các Trường THPT Khánh Hoà, Trường Tiểu học Khánh Hoà, Mầm non Khánh Hoà, và các trường quanh vùng. Đồng thời giúp địa phương trong việc làm nhà văn hoá, làm đập chứa nước ở Sơn Cẩm, làm đường giao thông. Trong đó có công trình đường giao thông liên khu vực từ Quốc lộ số 3 vào khu trung tâm mỏ dài 1.800m do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư là món quà tặng nhân dân địa phương đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Công ty còn xây dựng đường bê tông đoạn 5-6 khu vực bãi thải Tây - Nam với giá trị trên 20 tỷ đồng để nhân dân địa phương đi lại được thuận tiện.
Điểm qua sự bứt phá trong quá trình phát triển đi lên của công ty phải kể đến năm 2003 khi Tổng Công ty Than Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy điện Cao Ngạn. Công ty đã được Công ty Than Nội địa, Tổng Công ty Than Việt Nam đầu tư các thiết bị khai thác và vận chuyển hiện đại như: xe vận tải hạng nặng, máy xúc thuỷ lực cỡ lớn, máy khoan TITON-500. Đây là những thiết bị hiện đại nhất trong khai thác và vận chuyển đất đá của Công ty. Tuy nhiên, Công ty lại có thêm thách thức, khó khăn mới, đó là cán bộ, công nhân viên phải khẩn trương học tập, vươn lên để làm chủ các thiết bị khoa học tiên tiến, hiện đại và xây dựng một tác phong công nghiệp. Công ty đã tìm ra một hướng đi mới, đó là quản lý chặt chẽ, đoàn kết, dân chủ để tìm cách thoát khỏi khó khăn. Đồng thời bố trí hợp lý lực lượng lao động dôi dư do đổi mới công nghệ, bảo đảm việc làm và thu nhập cho trên 1.000 lao động. Kể từ năm 2011 đến 2014, sản lượng đất bóc được cân đối tăng theo sản lượng than tiêu thụ, Công ty còn đẩy mạnh sản xuất đá trên cơ sở đá thải trong quá trình khai thác than để cung cấp cho Nhà máy xi măng Quán Triều.
Với bề dầy truyền thống 65 năm qua, với kiến thức kinh nghiệm quản lý, ý chí, bản lĩnh và sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân Công ty than Khánh Hoà, cái nôi của thợ mỏ Việt Bắc ra đời trong kháng chiến chống Pháp luôn tự hào với chặng đường đã qua. Họ sẽ tiếp tục nhìn về bước đường sắp tới với niềm hy vọng chắc chắn sẽ có những bước đi nhanh hơn, mạnh hơn để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gần một thế kỷ mà cha anh họ đã tạo dựng.