Học Bác tính cần - kiệm để thoát nghèo

10:48, 27/09/2014

Chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh và Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; 100% số đảng viên đều đã thoát nghèo; xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa 2 năm liền… Có được kết quả đó là nhờ Chi bộ xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân học tập đức tính cần - kiệm của Bác Hồ để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi.

Đi giữa những đồi chè bát úp xanh non mơn mởn, không một vuông đất để trống, xa xa thấp thoáng những ngôi nhà hai tầng, nhà mái ngói đỏ tươi, chúng tôi khó có thể hình dung được trước kia nơi đây chỉ là những quả đồi với toàn lau, guột hoang hóa. Nhắc tới “ngày xưa”, cái ngày người dân Chính Phú 1 phải vật lộn với bao khó khăn, thiếu thốn, ăn cơm độn khoai, sắn với canh rau rừng, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, bới đất, lật cỏ khai hoang, trồng chè.

 

Ông Lê Xuân Hợi, Bí thư Chi bộ xóm Chính Phú 1 không giấu được vẻ xúc động: Gia đình tôi là 1 trong 64 hộ đầu tiên từ miền xuôi lên khai hoang mảnh đất này, đó là vào tháng 3 năm 1965. Ngày đó, nơi đây gọi là rừng Dế. Trong những ngày đầu khai hoang, chúng tôi phải sống nương nhờ các xóm lân cận, được bà con đồng bào các dân tộc nơi đây bao bọc, giúp đỡ rất nhiều. Ngày chúng tôi phát rẫy, phát nương trồng chè, trồng rừng; đêm cũng tranh thủ lao động, thời gian ngủ rất ít. Đến năm 1974, chúng tôi đã trồng được 26ha chè và phát triển cho đến ngày nay. Các hộ dân xóm Chính Phú 1 sống chủ yếu dựa vào cây chè, mấy năm gần đây mới phát triển thêm việc chăn nuôi lợn, gà theo mô hình gia trại. Dấu mốc của sự thay đổi bộ mặt của xóm là từ khi xóm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng tôi đã họp bàn và quyết định, trước tiên học Bác đức tính cần - kiệm để thoát nghèo. “Cần” ở đây là cần cù trong lao động sản xuất, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; “kiệm” là tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày để có tích lũy đầu tư cho phát triển sản xuất… 

 

Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, Chi bộ đã in các tài liệu có liên quan về bài học cần - kiệm của Bác để phát cho các đảng viên đọc, nghiên cứu, học tập và làm theo bằng những việc làm cụ thể. Sau đó, chính những đảng viên là người tuyên truyền, vận động tới các quần chúng cùng làm theo. Đơn cử, khi có một hộ gia đình tích lũy được 10 triệu đồng và có ý định mua một chiếc ti vi màn hình phẳng, cỡ lớn, đảng viên gần nhà hộ dân đó đã khuyên nhủ chủ hộ nên mua một chiếc ti vi nhỏ hơn để dành tiền đầu tư cho sản xuất, đến khi thật sự dôi dư hãy nên mua tivi lớn. Đó là một trong những việc làm thiết thực trong việc học Bác tính tiết kiệm, chi tiêu hợp lý.

 

Từ những việc tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng đã đi vào lòng dân và được toàn thể nhân dân xóm Chính Phú 1 đồng tình, hưởng ứng. Không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, người dân Chính Phú 1 còn tiết kiệm trong việc tổ chức hiếu, hỷ, hội, họp. Việc cưới, việc tang không tổ chức linh đình 2 - 3 ngày như trước nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố trang trọng, trang nghiêm, đúng nghi lễ, tín ngưỡng… Người dân Chính Phú 1, không phải nhờ có Cuộc vận động mới cần cù, chịu thương chịu khó nhưng hưởng hứng Cuộc vận động họ làm việc khoa học học hơn, hiệu quả hơn, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

 

Trước kia, người dân Chính Phú 1 chỉ trồng độc canh cây chè, mọi khoản chi tiêu đều trông vào cây chè nên đời sống chậm phát triển. Nay ngoài cây chè, họ đã có thu nhập thêm từ trồng rừng, chăn nuôi gà, lợn…Hiện nay, 70% số diện tích chè đã được chuyển sang trồng thay thế bằng giống chè cành; hơn 10 hộ đã đầu tư máy bơm nước, đào giếng khoan để sản xuất chè vụ Đông, tăng thêm thu nhập; hơn 30 hộ đã đầu tư vào chăn nuôi lợn theo mô hình gia trại (nuôi 20-30 đầu lợn/lứa; gần 10 hộ nuôi tới trên 100 đầu lợn/lứa…  

 

Kinh tế nhờ đó dần ổn định và phát triển, năm 2013, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm. 76 hộ dân nơi đây đã tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi như làm 1,5km đường bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới; xây dựng Nhà văn hóa xóm khang trang, thoáng rộng, trị giá gần 200 triệu đồng… Xóm còn thành lập được Câu lạc bộ Văn hóa - Văn nghệ; Đội bóng đá; Đội bóng chuyền; các đội hoạt động đồng đều và mạnh, thường giành giải cao tại các giải thi đấu của cụm, xã, huyện tổ chức. 

 

Trước khi chia tay, ông Hợi không quên nói với chúng tôi: Cái được lớn nhất của chúng tôi là 11 đảng viên đều có nhận thức đúng đắn, đồng đều, luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và là đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào để quần chúng noi theo. Mỗi đảng viên được phân công phụ trách từ 8-10 hộ, đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong các công việc được giao. Chi bộ hoạt động có nề nếp, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần vào ngày mùng 5 (không báo họp chỉ báo hoãn). Tại các buổi sinh hoạt, các đảng viên đều tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nghị quyết hằng tháng của Chi bộ, để nghị quyết đề ra sát, trúng, đúng với tình hình thực tế cơ sở, nên được người dân tin tưởng và làm theo...