Đến xã Tức Tranh (Phú Lương) mùa này, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn những cánh đồng lúa, những nương chè xanh mướt. Càng vui hơn khi được nghe các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Tức Tranh đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về nông thôn mới (NTM). Bà con nơi đây luôn đồng thuận, chung tay thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là việc đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn.
Dẫn chúng tôi đi trên đoạn đường bê tông to đẹp, phẳng phiu của xóm, ông Đặng Duy Uân, Bí thư Chi bộ xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh cho biết: Tuyến đường này được chúng tôi làm từ đầu tháng 11-2013, sau hơn 1 tháng thi công thì hoàn thành. Nhà nước hỗ trợ 65% kinh phí, người dân trong xóm đóng góp 35% vốn đối ứng. Bên cạnh đó, bà con còn hiến trên 3.000m2 đất. Ngay từ khi xã có chủ trương làm đường cho xóm, chúng tôi đã họp bàn, thống nhất trong Chi bộ sau đó cùng Ban Công tác Mặt trận xóm thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận đóng góp. Với cách làm cán bộ, đảng viên trong xóm nêu cao vai trò gương mẫu đóng góp trước sau đó vận động quần chúng làm theo. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có 42 hộ hiến 3.200m2 đất, thu được trên 300 triệu đồng tiền đối ứng. Các hộ hiến đất đều không so đo, tính toán mà hết sức "vô tư". Đơn cử, gia đình ông Phạm Xuân Bình ở đầu tuyến đường đã hiến 300m2 đất, nhưng trong cuộc họp xóm ông bày tỏ quan điểm nếu việc làm đường vẫn cần đến đất gia đình ông sẽ tiếp tục hiến. Hay ông Đỗ Cao Giếng, hiến 1.200m2 đất nhưng khi xóm đề nghị cấp trên khen thưởng thì gia đình ông đã từ chối và nhường cho người khác.
Chúng tôi đến xóm Thác Dài, khi hỏi về chuyện vận động bà con trong xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, ông Lê Mạnh Thiệp, Bí thư Chi bộ xóm nói: Các dự án của cấp trên đưa xuống đều được chúng tôi thực hiện tốt. Ông ví dụ về Dự án PCM (đầu tư, thúc đẩy cộng đồng) được triển khai tại xóm từ năm 2012. Dự án hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30% kinh phí đối ứng để làm tuyến đường dài 600m, rộng 5m. Một trong những "bí quyết" trong vận động sức dân của xóm là luôn đảm bảo sự dân chủ, công khai, minh bạch. Bên cạnh việc họp dân để thống nhất mức đóng góp và vận động những hộ có tuyến đường đi qua hiến đất, cán bộ xóm còn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, xóm đã thành lập Tổ giám sát cộng đồng để cùng nhau thực hiện xây dựng công trình. Tổng cộng cả kinh phí hỗ trợ tiền đóng góp, chúng tôi có trên 80 triệu đồng, chi cho làm đường hết 60 triệu đồng, còn lại dùng vào việc mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa...
Không chỉ xóm Quyết Thắng và Thác Dài, ở nhiều xóm khác của xã Tức Tranh, nhân dân cũng rất đồng thuận đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tại xóm Tân Khê, chúng tôi gặp tất cả thành viên trong Ban Công tác Mặt trận xóm đang tham gia thi công tuyến đường dài 965m, rộng 2m. Ông Hoàng Bình Luận, Bí thư Chi bộ xóm phấn khởi: Đây là đoạn đường thứ 3 chúng tôi huy động sức dân đóng góp mà không hề vướng mắc điều gì. Để thực hiện đoạn đường này đã có 20 hộ dân nhất trí hiến đất, mỗi khẩu được hưởng lợi trực tiếp đóng góp 800 nghìn đồng, tuy chưa thu tiền nhưng thông qua cuộc họp của xóm, 100% ý kiến của người dân đều đã đồng tình ủng hộ.
Chia sẻ về kinh nghiệm huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, ông Tạ Quang Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi đều thông báo rộng rãi qua các cuộc họp, loa truyền thanh các xóm hoặc tranh thủ những người có uy tín cùng vận động, tuyên truyền. Đồng thời luôn phát huy tinh thần dân chủ, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Vì thế việc huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng luôn hết sức thuận lợi. Trong thời gian 3 năm (từ năm 2011-2003), xã đã huy động sức dân làm được 9,1km đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn NTM; 39,5km đường đá cấp phối để đi vào các ngõ xóm. Nhân dân trong xã cũng đã hiến 2,5ha đất, đóng góp 1.800 ngày công và kinh phí đối ứng trên 2 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.