Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của một số nước

15:32, 17/09/2014

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã chủ trương phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, sau 14 năm nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước.

Kinh nghiệm từ các nước

 

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chúng ta chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Trong khi đó, ngay tại thập niên 90 của thế kỷ trước, Malaysia đã tập trung phát triển điện và điện tử (E&E) để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Nhìn ra nước bạn là Thái Lan, họ khuyến khích FDI vào ngành công nghiệp ô tô, đã thu hút được 17 hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, với khoảng 50% để xuất khẩu; 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là của người Thái; khoảng 1700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái Lan.

 

Cũng theo GS Nguyễn Mại, chính sách phát triển CNHT của nước ta chưa tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo số liệu điều tra của tổ chức JETRO (Nhật Bản) thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam giao động từ 15 - 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.

 

Đánh giá thực trạng ngành CNHT của Việt Nam hiện nay, ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp SAMSUNG Complex (một tập đoàn điện tử lớn toàn cầu, doanh thu năm 2012 đạt 187,8 tỷ USD, ước tính cứ 30 phút có 23 nghìn điện thoại di động, 3000 TV nhãn hiện SAMSUNG được bán ra trên thế giới) thẳng thắn cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam, trên thực tế công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu. Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì cho chúng tôi. Do đó, chúng ta bắt buộc phải phát triển ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo có sức cạnh tranh. Để làm được điều này, thì phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện tiên quyết.

 

Ưu tiên phát triển sản phẩm lợi thế

 

Làm sao để người lao động Việt Nam trong các nhà máy, trung tâm R&D của SAMSUNG học được kỹ năng tay nghề, trình độ quản lý, nghiên cứu sáng tạo ở môi trường công nghệ cao để hình thành đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế hiện đại theo hướng phát triển bền vững? Làm thế nào để tăng dần giá trị gia tăng của các sản phẩm SAMSUNG từ khoảng 30% hiện nay lên cao hơn? Khó đưa ra được lời giải cho những câu hỏi đó, nhưng theo GS Nguyễn Mại, để giải quyết các vấn đề đó cần đề ra chương trình và tổ chức nghiên cứu một cách khoa học nhằm khai thác tốt hơn nữa sự hiện diện của SAMSUNG và những dự án công nghệ, dịch vụ cao của các công ty đa quốc gia (TNCs) tại nước ta làm cho các dự án này có sức lan tỏa ngày càng rộng đối với các doanh nghiệp trong nước.

 

Trong thế giới hiện đại, khi mạng lưới sản xuất và phân phối mang tính khu vực và toàn cầu thì mỗi nước cần dựa vào lợi thế so sánh của mình để tập trung đầu tư phát triển một số công nghiệp hỗ trợ đạt được giá trị sản xuất và tỷ trọng xuất khẩu chiếm thị phần chi phối ở khu vực và toàn cầu như cách mà Malaysia đã làm vào thập niên 90 của thế kỷ trước đối với linh kiện điện và điện tử. Việt Nam không thể phát triển bất cứ công nghiệp hỗ trợ nào, mà phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia; cũng không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô tô, xe máy, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của TNCs hàng đầu thế giới. Malaysia và Thái Lan là hai trường hợp điển hình để Việt Nam nghiên cứu. Cả hai nước này đều theo đuổi chính sách mở cửa để thu hút FDI, nhưng có sự khác biệt lớn. Trong khi Thái Lan điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng FDI thì Malaysia có vẻ tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, điển hình là công nghiệp ô tô.

 

Malaysia khuyến khích và bảo hộ nhãn hiệu ô tô Proton của nước này thì Thái lan mở cửa cho các hãng sản xuất ô tô lớn thế giới và đưa lại kết quả khác nhau, trong khi ô tô Proton chỉ tiêu thụ nội địa thì Thái Lan trở thành nước sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn trong khu vực với giá trị gia tăng trên 50%, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Từ kinh nghiệm của phía bạn, chúng ta có thể xây dựng chiến lược riêng cho mình nhưng phải xác định rõ ràng rằng công nghiệp hỗ trợ không phải ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà đây là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp. Đây là ngành đóng vai trò then chốt trong khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, có tính chất quyết định đối với sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ sẽ không thể có ngành công nghiệp chế tạo./.