Với những ưu điểm nổi trội so với công tơ cơ khí hiện đang phổ biến, công tơ điện tử truyền số liệu bằng sóng Radio (RF) đang được ngành Điện triển khai lắp đặt trên diện rộng. Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch thay thế trên 10.000 công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, bên cạnh gần 500 chiếc đã được lắp đặt từ tháng 6-2010.
Đây là bước cải tiến căn bản trong khâu ghi và nhập chỉ số công tơ, nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng trong quá trình mua bán điện, thực hiện lộ trình xây dựng “lưới điện thông minh” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khác với công tơ cơ khí, công tơ điện tử được tích hợp bên trong nó thiết bị “đọc” chỉ số điện năng của khách hàng rồi truyền bằng sóng RF tới thiết bị ghi chỉ số cầm tay (HHU). Nhân viên ghi chỉ số điện chỉ cần cầm thiết bị HHU đến gần các công tơ để thu nhận số liệu mà không phải trèo lên vị trí đặt công tơ quan sát trực tiếp như cách thông thường. Sau đó, thông tin chỉ số sử dụng điện của khách hàng được chuyển trực tiếp vào hệ thống máy tính đã cài đặt phần mềm phù hợp mà không phải nhập bằng tay. Hơn nữa, khi hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng, các công tơ được kết nối với máy tính thì số liệu được truyền về một cách tự động, không cần nhân viên ghi chỉ số (một số công tơ 3 pha đa năng của khách hàng sử dụng lượng điện lớn trong sản xuất tại tỉnh ta đã “đọc” và truyền chỉ số theo cách này).
Theo anh Vũ Đình Thìn, Phó phòng Kinh doanh điện năng (Công ty Điện lực Thái Nguyên), thì công tơ điện tử có nhiều ưu điểm nổi trội so với công tơ cơ khí: Độ chính xác cao; loại bỏ hoàn toàn các sai sót, nhầm lẫn khách quan, chủ quan do quá trình ghi và nhập số liệu thủ công; có nhiều tính năng cảnh báo trong quá trình vận hành, thiết kế nhỏ gọn, hoạt động ổn định; giúp kiểm soát chặt chẽ và giảm tổn thất điện năng khu vực hạ áp; giám sát sản lượng để kịp thời tư vấn cho khách hàng sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm (đối với công tơ được gắn thiết bị truyền số liệu tự động về máy tính)… Vì vậy, chất lượng phục vụ khách hàng được nâng lên. Ngoài ra, việc lắp đặt công tơ điện tử truyền dữ liệu bằng sóng RF giúp ngành Điện tiết kiệm đáng kể nhân lực trong khâu ghi chỉ số, chi phí quản lý, đồng thời tăng năng suất lao động. Hạn chế nguy cơ mất an toàn do công nhân ghi chỉ số không còn phải leo trèo để tiếp cận công tơ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Điện lực T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Thực tế thì gần 500 công tơ điện tử đã được lắp đặt từ năm 2010 tại một số khu vực thuộc 2 phường Đồng Quang và Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã và đang hoạt động ổn định với độ chính xác cao; chưa xảy ra bất kỳ sai sót nào, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao. Với gần 500 công tơ cơ khí trước kia chưa được thay thế, 6 nhân viên của chúng tôi (chia làm 3 cặp) thường phải mất một buổi sáng để ghi chỉ số, nhưng nay chỉ cần 1 người thực hiện trong khoảng 3 giờ đồng hồ, lại rất an toàn và chính xác. Theo chỉ đạo của Công ty Điện lực Thái Nguyên, chúng tôi đã bắt đầu triển khai thay thế hơn 10.000 công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử truyền dữ liệu bằng sóng RF cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tại một số khu vực thuộc T.P Thái Nguyên. Trước đó chúng tôi đã thông báo và tuyên truyền những ưu điểm của công tơ điện tử tới khách hàng.
Được biết, sau loạt hơn 10.000 công tơ này thì ngành Điện, cụ thể là Công ty Điện lực Thái Nguyên vẫn tiếp tục từng bước triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, cả 1 pha và 3 pha, ưu tiên làm trước những khu vực tập trung đông khách hàng (Công ty hiện đang quản lý gần 300.000 công tơ đo đếm điện năng). Toàn bộ chi phí thay thế do ngành Điện đảm nhận. Cùng với đó, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã và đang chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động và hệ thống đo đếm từ xa.